Đôi điều cần biết về phát hành trái phiếu bằng đồng Yen
Bộ Tài chính cho biết hiện đang tiến hành xây dựng lộ trình chủ động tiếp cận thị trường vốn quốc tế dưới hình thức phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ ở nước ngoài. Ngoài trái phiếu phát hành bằng USD phát hành tại các thị trường vốn lớn trên thế giới như đã được thực hiện cuối năm 2014, trái phiếu bằng đồng Yen phát hành tại Nhật cũng đang được chính phủ xem xét.
- 15-01-2015JBIC đề xuất hỗ trợ VN phát hành trái phiếu bằng đồng Yên trên thị trường Nhật Bản
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Trái phiếu bằng đồng Yen phát hành tại Nhật theo các luật lệ và quy định của Nhật bởi một công ty hoặc tổ chức nước ngoài còn được gọi là trái phiếu samurai (samurai bond). Việc phát hành trái phiếu samurai sẽ mang lại một số lợi ích sau cho nhà phát hành.
Lợi ích thứ nhất, trái phiếu samurai sẽ mang đến cho nhà phát hành một khoản vốn bằng Yen cần thiết giúp họ đầu tư hay thâm nhập vào thị trường Nhật, thay vì phải đi vay từ các ngân hàng thương mại. Đây cũng là một kênh huy động để đa dạng hóa nguồn vốn ngoại tệ, tránh phụ thuộc quá lớn vào (sự biến động của) một nền kinh tế, một đối tác nào đó. Đồng thời, với những khác biệt nhất định giữa thị trường Nhật với thị trường Mỹ hoặc EU, nguồn vốn từ Nhật sẽ đảm bảo cho nhà phát hành có một nguồn tài chính dự phòng khi thị trường Mỹ và EU chao đảo.
Lợi ích thứ hai gắn liền với đặc thù lãi suất rất thấp của đồng Yen trên thị trường vốn Nhật. Lợi dụng ưu thế lãi suất thấp nói chung khi vay bằng đồng Yen, nhà phát hành trái phiếu samurai có thể chuyển đổi lượng vốn thu được sau phát hành sang các loại tiền tệ khác theo nhu cầu của, hoặc tài trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của nhà phát hành ở nước sở tại (ngoài Nhật), mà bình thường ra thì sẽ phải huy động và trả lãi cao hơn khá nhiều để có được khoản vốn bằng bản tệ cần thiết này.
Lợi ích thứ ba, trái phiếu samurai đôi khi còn được dùng để phòng chống rủi ro (hedging) ngoại hối. Ví dụ, nhà phát hành có sẵn một hợp đồng mua hàng bằng Yen có thời điểm thanh toán trong kỳ tới, trong khi doanh thu của họ lại chủ yếu bằng USD. Để tránh rủi ro đến thời hạn thanh toán thì đột nhiên Yen mạnh lên so với USD gây thiệt hại, nhà phát hành sẽ qua kênh trái phiếu samurai để dự trữ sẵn một lượng Yen cần thiết dành cho việc thanh toán này, mà không còn phải bận tâm đến rủi ro tỷ giá USD/Yen nữa. Ngược lại, nhà phát hành có thể lợi dụng chính lãi suất thấp của các khoản vay bằng Yen để thực hiện kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), ví dụ như đổi nguồn vốn Yen “giá rẻ” này ra đô la Úc (AUD) rồi đem gửi vào ngân hàng tại Úc để hưởng lãi suất cao hơn.
Đặt 3 lợi ích chính bên trên vào hoàn cảnh Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật đang ngày càng sâu sắc, sẽ thấy sự hiện diện của cả 3 lợi ích này ở quy mô đáng kể.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng không phải là vô cớ mà một số tổ chức và nhà đầu tư Nhật mong muốn Việt Nam phát hành trái phiếu samurai, và việc phát hành này cũng không phải là không mang đến rủi ro cho Việt Nam.
Với các nhà đầu tư Nhật, trái phiếu samurai là một “món ngon” để đầu tư vì trái phiếu này được phát hành tại Nhật, theo các luật lệ của Nhật, và như là “cây nhà lá vườn”, rất quen thuộc với họ và đặc biệt phù hợp với khẩu vị đầu tư cẩn trọng của người Nhật. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật chật vật trong thiểu phát, đầu ra các sản phẩm và kênh đầu tư sinh lời cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí Nhật rất bị hạn chế nên các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí Nhật có xu hướng ngày càng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu phát hành nội địa, bằng đồng Yen như là một kênh đầu tư sinh lời phù hợp và ưa thích.
Về phía chính phủ Nhật, không phải vô cớ mà Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đứng ra nhận bảo lãnh cho các nhà phát hành, đặc biệt là các nước đang phát triển có xếp hạng tín dụng thấp, trong việc trả nợ trái phiếu samurai, vì Nhật cũng đang muốn đẩy mạnh việc sử dụng Yen như một đồng tiền quốc tế.
Bởi vậy, nếu Việt Nam phát hành trái phiếu samurai thì sẽ tạo ra thêm hàng hóa được nhiệt tình đón nhận bởi các nhà đầu tư Nhật. Ví dụ, trong nhiều đợt phát hành trái phiếu samurai của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB và WB trước đây, các ngân hàng Nhật đã mua vào với tỷ trọng lớn (có đợt lên tới 80% tổng giá trị phát hành).
Về phía nhà phát hành là chính phủ Việt Nam, ngoài các lợi ích nêu trên, phát hành trái phiếu bằng Yên sẽ phải đối mặt với một rủi ro lớn và chủ yếu, đó là biến động tỷ giá. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu samurai của chính phủ Việt Nam mà người sử dụng cuối cùng sẽ gặp bất lợi khi tỷ giá VND/Yen, USD/Yen và tỷ giá giữa Yen với một số ngoại tệ khác biến động mạnh như thời gian qua.
Chẳng hạn, nếu chính phủ cho vay lại nguồn vốn này cho một số doanh nghiệp nhà nước để họ đổi ra USD và dùng vào nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước (tức có nguồn thu chủ yếu bằng VND). Bình thường, nếu tỷ giá VND/USD và USD/Yen không biến động mạnh thì Việt Nam nhìn chung là có lợi lớn vì lãi suất trái phiếu samurai thường rất thấp, kể cả với nhà phát hành có mức độ xếp hạng tín nhiệm thấp (theo một nghiên cứu của Bank of America thì lợi suất trái phiếu samurai phát hành bởi một công ty được xếp hạng ở mức “đầu tư” chỉ bằng phân nửa so với lợi suất trung bình trên các thị trường vốn ngoài Nhật).
Nhưng sẽ là thảm họa lớn cho những doanh nghiệp nhà nước này, và rốt cục là ngân sách nhà nước, khi không những VND mất giá so với USD mà đến lượt nó, USD cũng lại mất giá so với Yen.
TS. Phan Minh Ngọc