Đồng tiền thông minh sẽ di chuyển
Mỗi gia đình trong xã hội tăng mức chi dùng lên một chút, góp gió thành bão, nhiều món vay tiêu dùng nhỏ gộp lại sẽ là lực đẩy cho đầu ra của tín dụng.
Mang câu hỏi này tới các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng, chúng tôi đã nhận được những câu trả lời rất hữu ích. Đây có thể là gợi ý cho những người đang “nhấp nhổm” khi có tiền trong túi mà chưa biết đầu tư vào đâu.
Về phía đại diện các NHTM, việc họ liên tục giảm LSHĐ vì đầu ra - tín dụng cho vay không tăng nhiều và chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra đang ngày càng thu hẹp. Nhìn vào số liệu NHNN công bố 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đang âm 1,66%, trong khi tăng trưởng huy động vẫn đạt gần 1% cho thấy các TCTD đang “ôm” một lượng tiền không nhỏ mặc dù không cho vay ra được mà vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.
Vì vậy, việc ngân hàng giảm LSHĐ là tất yếu. Việc “đẩy” vốn huy động sang mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) chỉ là tạm lánh, vì lãi suất TPCP hiện cao nhất cũng chỉ còn 7,63%/năm (theo kết quả phiên đấu thầu ngày 6/3, kỳ hạn 5 năm). Và lãi suất trúng thầu các phiên đấu giá TPCP cũng đang trong xu hướng giảm dần.
Với người có tiền, săn tìm kênh đầu tư là mục tiêu kỳ vọng có lợi nhuận. Nhưng mức sinh lời của đồng vốn lại luôn “cùng chiều” với mức độ chấp nhận rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, nếu cầu tín dụng không được cải thiện thì mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm mạnh. Như vậy, với những người có tiền nếu lấy mục đích bảo toàn giá trị đồng tiền là trên hết thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh tốt nhất, đồng thời vẫn có thu nhập từ hưởng lãi. Với các kênh đầu tư khác như bất động sản, thậm chí là chứng khoán tuy đã có dấu hiệu ấm trở lại, nhưng rủi ro lại luôn luôn song hành cùng nhà đầu tư ở các kênh này.
“So với các nước trong khu vực hoặc xa hơn là các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ thì ít có quốc gia nào tạo lợi ích cho người gửi tiền (mức lãi suất thực dương cao - PV) như ở Việt Nam”, một lãnh đạo NHTM đã có lần khẳng định như vậy. Ông cũng cho rằng, nếu người gửi tiền cảm thấy LSHĐ không còn hấp dẫn nữa, buộc họ quay ra đầu tư vào các kênh khác cũng là việc nên khuyến khích. Lúc đó, dòng tiền ra khỏi ngân hàng sẽ là dòng tiền thông minh. Bởi nếu nhà đầu tư thành công, tiền sẽ lại chảy vào ngân hàng và chảy ra qua các dự án, kênh đầu tư khác…
Về phía Chính phủ, việc kích cầu đầu tư qua tăng bội chi ngân sách, nhất là tăng qua đầu tư công vào các công trình, dự án trọng điểm một cách hiệu quả sẽ tạo những cú hích tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Khi tổng cầu tăng thì sự luân chuyển của dòng tiền sẽ nhanh, mạnh hơn. Và khi nền kinh tế hồi phục thì đó là cơ hội cho những nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ.
Một kênh khác, không có tác động mạnh như kích cầu đầu tư là kích cầu tiêu dùng. Giá hàng hóa, dịch vụ đang giảm hàng ngày cũng là cơ hội để người dân mua sắm, chi tiêu. Bạn đã có một ít tiền, bạn mơ ước có một căn hộ, hay muốn sửa chữa cho nhà cửa khang trang hơn? Bạn muốn mua một chiếc ô tô mới? Thay thế đồ nội thất, vật dụng gia đình?... Đây là thời điểm thích hợp để hiện thực hóa những giấc mơ đó khi có sự trợ giúp từ ngân hàng.
Hiện nay, các NHTM đang có nhiều chương trình cho vay tiêu dùng với những ưu đãi hấp dẫn mà không phải lúc nào cũng có. Vì vậy, tăng chi tiêu cho mục đích tiêu dùng thời điểm này cũng là quyết định chi dùng thông minh. Mỗi gia đình trong xã hội tăng mức chi dùng lên một chút, góp gió thành bão, nhiều món vay tiêu dùng nhỏ gộp lại sẽ là lực đẩy cho đầu ra của tín dụng. Và quan trọng nhất là khi sức mua tăng sẽ tác động đến tổng cầu của nền kinh tế, tạo động lực cho nguồn cung hàng hóa tăng trưởng, giúp các DN tiêu thụ được hàng hóa. Đó là cơ hội để các DN tiếp tục vay vốn, mở rộng đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Theo Chí Kiên