MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo lạm phát 2015 thấp: “Cơ hội tiếp tục hạ lãi suất”

18-12-2014 - 12:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo dự kiến sơ bộ thì lạm phát 2015 có thể ở mức 4%. Đây là thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ Tài chính, Công Thương ngày 17/12.

Con số 4% cũng đã có thể cao gần gấp đôi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm nay, theo một số dự báo là chỉ tăng khoảng 2%.

Trong điều kiện lạm phát như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - cho rằng cần xem xét đến việc điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh,mức độ điều chỉnh các loại giá, như y tế, giáo dục, điện, xăng dầu… cho phù hợp để tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.

Trước khi cuộc họp 4 bộ diễn ra, như VnEconomy đã đưa tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chuyên gia sửa dụng bảng cân đối liên ngành (I/O) ước tính tác động mức tăng 9,5% của giá điện sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, ảnh hưởng làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

Lạm phát 2015 có thể ở mức thấp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là cơ hội để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Và theo tính toán sơ bộ, nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Theo quy chế phối hợp, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách tài khóa, còn Bộ Công Thương chủ trì điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại.

Như vậy, những vấn đề nêu trên cần có sự thảo luận thêm của 3 cơ quan này và chưa dễ có thể đi đến kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, cũng không phải đến tận khi 4 bộ họp để triển khai quy chế phối hợp, lạm phát, điều hành giá và lãi suất mới được đặt ra.

Giới chuyên gia và các cơ quan tham mưu cấp vụ, viện cũng đã từng mổ xẻ và nêu nhiều quan điểm trái chiều về các vấn nêu trên.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vào cuối tháng 9/2014, khi chuyên gia “ca thán” lãi suất ở Việt Nam cao nhất thế giới thì doanh nghiệp làm gì cũng “chết”, thì một Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước quả quyết lãi suất đang hợp lý.

Một cơ quan chuyên môn về kinh tế vĩ mô, ngay sát cuộc họp hôm qua cũng cho rằng mức lãi suất của Việt Nam hiện nay là cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp. Nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn.

Còn với lạm phát, các quan điểm cũng rất khác nhau về cả nguyên nhân và cao hơn là mối quan hệ với tăng trưởng.

Có một thực tế là trong những năm gần đây, Việt Nam luôn phải đối mặt với việc phải lựa chọn giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Khái quát của một viện nghiên cứu chỉ ra rằng, về mối tương quan này hiện đang có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam có quan hệ tỷ lệ nghịch, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% (2000 - 2003) thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định. Nhưng khi lạm phát ở ngưỡng cao, xấp xỉ hoặc ở mức hai con số (2007 – 2011) thì tăng trưởng có xu hướng chững lại và giảm xuống.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát là mối quan hệ đánh đổi, tức là muốn đạt mức tăng trưởng cao thì phải chấp nhận mức lạm phát cũng cao, còn muốn kiềm chế lạm phát ở mức thấp thì không thể đạt được mức tăng trưởng cao được.

Với cách tiếp cận khác, xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát từng năm trong cả chuỗi 20 năm qua, viện này cho rằng những năm mức tăng trưởng cao hơn lạm phát là những năm kinh tế - xã hội của đất nước tương đối ổn định, còn những năm tăng trưởng thấp hơn lạm phát là những năm nền kinh tế thường gặp các bất ổn vĩ mô.

Số liệu nhiều năm của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... cũng cho kết quả tương tự.

Từ phân tích đó, việc đã nên cho tăng giá được chưa và CPI năm 2015 có nên cho tăng khoảng 5% là câu hỏi cần thảo luận cụ thể, nhưng điều quan trọng hơn mà cơ quan nghiên cứu này nhấn mạnh là phải đảm bảo được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức lạm phát.

Theo Hà My

hangnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên