MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đũa thần” đang bị mốc

24-07-2014 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Từng được ví như cây đũa thần có thể biến nợ xấu thành tiền chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, trái phiếu đặc biệt của VAMC giờ đây đang trở thành cây đũa mốc trong tủ các ngân hàng.

Vật vã tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng để có tiền sắp xếp, tái cơ cấu lại hoạt động nhưng DongABank đã bị thất bại.

Thiếu tiền nhưng DongABank lại không thể đem trái phiếu đặc biệt của VAMC lên NHNN cầm cố vay tiền vì cơ quan này không cho các ngân hàng vay với mục đích tái cơ cấu.

Chối bỏ nguồn vốn rẻ

Còn tại ACB, khi được hỏi tại sao ngân hàng không đem trái phiếu đặc biệt trị giá hơn 500 tỷ đồng lên NHNN để cầm cố lấy nguồn vốn rẻ phục vụ cho vay, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết có nguồn vốn rẻ sao lại không ham nhưng ngân hàng hoạt động đều có lý do của nó.

“Đối với tình huống này thị trường có thể suy đoán, suy luận theo cách của mình, còn ngân hàng ứng xử thế nào thì đó là bí mật của người làm kinh doanh”, ông Toại nói thêm.

Tại sao ngân hàng lại có cách ứng xử như vậy với loại trái phiếu này, đây rõ ràng là nguồn vốn rẻ đối với các ngân hàng trong điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay.

Với lãi suất cho vay tái cấp vốn là 5%, thời hạn vay 12 tháng và có thể được gia hạn thêm, so với trần lãi suất các ngân hàng huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5% và kỳ 12 tháng khoảng 6,8% - 7%/năm thì mức chênh có thể lên tới 1,5%/năm.

Thế nhưng các ngân hàng không làm vậy mà lựa chọn cách lưu kho loại trái phiếu này. Đâu là nguyên nhân khiến các ngân hàng thờ ơ?

Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV, cho rằng các ngân hàng không mặn mà với nguồn vốn này là vì thanh khoản hiện khá dồi dào, trong khi đó mức chênh lệch lãi suất tái cấp vốn với lãi suất trên thị trường vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, từ phía ngân hàng, góc nhìn có vẻ thực tế hơn. Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho rằng việc bán gần 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC khiến ngân hàng yên tâm là trong 5 năm tới sẽ phải trích lập dự phòng 20% trong số này, như vậy, ngân hàng có thời gian để chuẩn bị.

Còn trái phiếu đặc biệt thì ngân hàng này đang cất vào kho, phần vì thanh khoản đang khá dồi dào, phần vì ngân hàng ngại mang tiếng xấu cho hình ảnh ngân hàng.

“Ai cũng nghĩ khi vay tiền từ kênh này là thanh khoản có vấn đề. Chính vì vậy, mặc dù ngân hàng nào cũng nhìn thấy cái lợi từ nguồn vốn này nhưng lại không dám mang lên NHNN cầm cố”, ông Khánh phân tích.

Sẽ kiểm soát chặt

Đây mới chỉ là bề nổi của vấn đề, nguyên nhân sâu xa chính là điều kiện để được vay tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt rất ngặt nghèo, hồ sơ thủ tục cũng như thời gian chính là vấn đề khiến các ngân hàng ngại ngần.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, cho biết NHNN kiểm soát rất chặt chẽ nguồn vốn vay từ kênh này.

Trước hết, để đạt điều kiện được vay, NHNN sẽ kiểm tra khoản nợ mà ngân hàng bán cho VAMC, xem trong đó có khoản nợ nào mà doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh để trả nợ; khoản nợ nào mà tài sản thế chấp có khả năng bán được để NHNN thu hồi vốn về.

“Các ngân hàng cứ trình lên danh sách các doanh nghiệp cho vay, nhưng NHNN phải kiểm tra từng đối tượng vay xem doanh nghiệp này vay để làm gì và bao giờ trả, kế hoạch kinh doanh thế nào để có thể trả được”, ông Kiêm cho biết.

Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến các ngân hàng không mặn mà nguồn vốn này, đó là, ngân hàng chỉ có thể dùng nguồn vốn này để cho vay, chứ không được sử dụng để phục vụ cho nhu cầu tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động của mình. Có lẽ, NHNN sợ ngân hàng dùng nguồn vốn này không hợp lý khiến cơ quan này khó thu hồi được vốn.

Còn một lý do nữa, cũng tác động khá lớn tới hành vi của ngân hàng trong việc sử dụng trái phiếu, đó là điều kiện trích lập dự phòng phải là 20% giá trị TPĐB. Đây là một điều kiện khó đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình. Do vậy, một số ngân hàng đã yêu cầu giảm tỷ lệ trích lập dự phòng xuống còn 5%.

Nhiều ngân hàng cho rằng tỷ lệ tái cấp vốn tối đa 70% mệnh giá trái phiếu đặc biệt là thấp, nhất là khi tỷ lệ này còn được quyết định tùy từng trường hợp. Điều này cho thấy, vì lý do cẩn trọng, tỷ lệ này đối với các ngân hàng nhỏ có lẽ còn thấp hơn nhiều mức 70%.

Việc này cũng giải thích tại sao cho đến nay chỉ rất ít ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt làm tài sản bảo đảm để xin vay vốn tái cấp vốn.

Được biết, hiện VAMC và các ngân hàng đang thảo luận để nâng tỷ lệ giá trị nợ xấu bán cho VAMC được dùng để vay tái cấp vốn và giảm tỷ lệ trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt.

Nhưng có lẽ, NHNN sẽ không dễ có nhiều thay đổi ở những vấn đề này vì còn phải dựa trên các quy định hiện hành.


>>> VAMC mua nợ hay mua thời gian


Theo Trần Giang

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên