Giám đốc hối lộ chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, Vũ Việt Hùng sau nhiều lần được “lót tay” hậu hĩnh đã giúp sức cho một số doanh nghiệp chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 3 TCTD.
Xe sang đổi hạn mức tín dụng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật có trụ sở chính tại huyện Cư Jút, Đắk Nông, thành lập từ năm 2004 do bà Cao Bạch Mai (giữ 90% vốn góp) làm giám đốc công ty hoạt động thu mua, sơ chế, kinh doanh mủ cao su nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, với vốn điều lệ 25 tỷ đồng.
Cuối năm 2008, khi biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp với các mặt hàng nông sản cà phê, sắn lát, nhân hạt điều... bà Mai gặp Vũ Việt Hùng đặt vấn đề vay vốn tín dụng xuất khẩu.
Giám đốc Hùng chỉ đạo Cao Văn Hải (Trưởng phòng Tài chính kế toán) làm thủ tục. Để đủ điều kiện pháp lý cho vay, Hải sửa báo cáo tài chính Công ty Minh Nhật từ 2 năm kinh doanh lỗ thành kinh doanh lãi, sau đó chuyển hồ sơ lên Phòng Tín dụng xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo cho Trần Xuân Lộc (Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu) cùng các cán bộ chuyên môn ngân hàng làm thủ tục cho Công ty Minh Nhật vay hai hợp đồng tín dụng xuất khẩu ban đầu 10 tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2009, bà Mai tiếp tục gặp giám đốc Hùng xin vay thêm vốn. Vì nữ giám đốc chịu chi đẹp nên Hùng đồng ý hạn mức tín dụng của Công ty Minh Nhật là 350 tỷ đồng. Để có thủ tục hồ sơ, bà Mai tiếp tục lệnh các nhân viên khẩn trương làm thêm nhiều hợp đồng kinh tế xuất khẩu khống vay tiền tín dụng xuất khẩu ưu đãi tổng cộng 940 tỷ đồng và sử dụng 6 hợp đồng kinh tế xuất khẩu cà phê vay 65 tỷ đồng, nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích.
Như vậy, từ tháng 10/2008 đến 7/2010, tổng số vốn mà VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông đã cấp cho Công ty Minh Nhật qua 70 hợp đồng tín dụng xuất khẩu lên đến 1.005 tỷ đồng. Số tiền này Cao Bạch Mai khai đã sử dụng trả nợ đáo hạn vay hơn 760 tỷ đồng, chi phí cho việc làm khống hồ sơ vay vốn, trích phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng và tiêu xài cá nhân khác...
Cùng với bà Mai, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân do Trần Thị Xuân làm Giám đốc do biết được đường đi nước bước cũng đã chịu khó chung chi để tìm cách cấu kết làm ăn với Giám đốc Hùng thông qua hình thức hợp lý hóa hồ sơ để rút ruột tiền giải ngân. Vẫn bằng những thủ thuật biến hóa như đã làm cho Công ty Minh Nhật trước đó, các cán bộ VDB đã giúp bà Xuân vay vốn tín dụng xuất khẩu tổng số 938,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, vụ án còn có một số tình tiết đáng chú ý, do đầu tháng 9/2009, Giám đốc Hùng dọa cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay đối với Công ty Nhật Tân và Minh Nhật do thấy 2 công ty này mất khả năng chi trả, buộc 2 nữ giám đốc này phải đến thương lượng.
Ngoài việc chi phần trăm cho lãnh đạo ngân hàng theo luật riêng, hai nữ giám đốc này còn góp thêm tiền tổng cộng 3,2 tỷ đồng mua cho Hùng ôtô BMW – X6 làm “quà cảm ơn”, do vậy Giám đốc Hùng tiếp tục đồng ý giữ nguyên hạn mức tín dụng 350 tỷ đồng.
Chi tiết này đã được tòa án cấu thành tội danh đưa và nhận hối lộ, cũng như chiếc xe trở thành một trong những tang vật quan trọng của vụ án kinh tế trọng điểm có liên quan đến nhiều tổ chức, cán bộ tín dụng và một số cá nhân đứng đầu doanh nghiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông này.
Diễn tiến mới nhất của vụ án
Điều đáng nói ở đây đối với bị cáo Vũ Việt Hùng, không chỉ gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tại chính ngân hàng mà Hùng đang giữ vai trò đứng đầu, mà dù biết rõ sai phạm và hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn ngang nhiên tiếp tay cho Mai, Xuân lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 ngân hàng khác là OCB và NamA Bank với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng thông qua việc ký các hợp đồng theo yêu cầu của các bị cáo, ký cam kết và một số giấy tờ liên quan, đưa ra thông tin gian dối các bị cáo không có dư nợ xấu tại VDB hòng qua mắt quá trình thẩm định của các ngân hàng khác.
Trong vụ việc này, Vũ Việt Hùng đã cố tình làm sai các quy định về hoạt động cho vay, thẩm định của các cán bộ ngân hàng, tạo cơ hội để những kẻ lừa đảo như Mai, Xuân và một số tổ chức, cá nhân khác có đất sống.
Với những diễn tiến phức tạp cũng như mức độ nghiêm trọng của vụ án, mới đây Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Nông đã thông báo chính thức về việc quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án đối với Vũ Việt Hùng và đồng phạm về các tội danh đưa và nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các TCTD xảy ra tại VDB chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông, NamABank và OCB vào ngày 11/3/2014.
Theo đó, nguyên Giám đốc VDB chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông Vũ Việt Hùng bị truy tố các tội danh nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD. Các bị cáo khác như Cao Bạch Mai (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Nhật), Trần Thị Xuân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nhật Tân), Nguyễn Thị Vân (Chủ nhiệm HTX Sông Cầu), Đặng Thị Ngân (Giám đốc Công ty Thủy Ngân) cũng sẽ phải đối mặt với các tội danh tương tự như đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng của 3 TCTD nêu trên.
Đồng thời, truy tố các bị can Trần Xuân Lộc (nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Nguyễn Thị Hồng Liên (nguyên cán bộ tín dụng), Lâm Hữu Hạnh (nguyên Giám đốc OCB Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh) và Trương Đình Hải (nguyên Giám đốc NamABank chi nhánh Hà Nội) … cùng tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD.
TAND tỉnh Đắk Nông cũng chính thức đưa ra quyết định, các bị cáo nêu trên sẽ bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề liên quan đến hoạt động tín dụng, tịch thu tài sản để sung công quỹ nhà nước, cũng như buộc các bị cáo trả lại số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt, buộc VDB trả lại cho OCB số tiền hơn 460 tỷ đồng và 50 tỷ đồng cho NamA Bank (số tiền này sau đó tiếp tục được hoàn trả lại cho OCB).