Cửa ải này
còn chưa biết có vượt qua được hay không, thì một thách thức mới lại được đặt
ra: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố lộ trình tăng vốn pháp định
lên 5.000-10.000 tỉ đồng trong mấy năm tới.
9 năm tăng
600 lần
Cho đến cuối
năm 2001, mức vốn pháp định đối với ngân hàng TMCP nông thôn chỉ là 5 tỉ đồng,
ngân hàng TMCP đô thị là 50-70 tỉ đồng theo Nghị định số 82/1998/NĐ-CP ngày
03-10-1998.
Đến cuối
năm 2008, mức vốn pháp định đối với các ngân hàng TMCP (TMCP - không còn phân
thành hai loại nông thôn và đô thị) là 1.000 tỉ đồng và cuối năm 2010 là 3.000
tỉ đồng theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22-11-2006.
Như vậy là
chỉ trong vòng 9 năm, các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ đột biến lên gấp từ
50-600 lần. Đây là một gánh nặng quá sức tưởng tượng đối với phần lớn các ngân
hàng. Đó còn là một sự ngược đời nếu xét trên khía cạnh hiệu quả đầu tư vốn:
yêu cầu tăng vốn lên đến 70-80%/năm, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân của
ngành ngân hàng, chỉ khoảng dưới 30%/năm trong chín năm qua.
Gần một chục
ngân hàng đã phải gắng gượng mới vượt qua chướng ngại vật 1.000 tỉ đồng vào cuối
năm 2008. Đến nay, 20 ngân hàng, chiếm quá một nửa tổng số ngân hàng cổ phần,
chưa về đích, trong đó chín ngân hàng mới chỉ đạt một phần ba chặng đường. Như
vậy, chỉ trong nửa năm nữa, các ngân hàng này buộc phải tăng vốn lên 300%
Trong lúc
nhiều ngân hàng đang khó nhọc bước tới cái mốc 3.000 tỉ đồng, thì Thống đốc
NHNN lại cảnh báo, sẽ tăng vốn pháp định lên 5.000 tỉ đồng vào năm 2012 và
10.000 tỉ đồng vào năm 2015. Dường như chính sách là nhằm loại trừ các ngân
hàng tốp dưới, để tạo ra toàn ngân hàng khổng lồ (so với nền kinh tế trong nước)
chứ không phải với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng và an toàn hoạt động của
các ngân hàng như vẫn đang tuyên bố.
Yêu cầu
tăng vốn quá nhanh đồng nghĩa với sức ép mở rộng quy mô, tăng nhanh dư nợ tín dụng,
tăng trưởng nóng. Điều này đã, đang và sẽ tất yếu dẫn đến rủi ro phát triển
nóng, là một trong những rủi ro nguy hiểm nhất trong hoạt động ngân hàng.
NHNN liên
tiếp phát đi thông điệp không nhân nhượng với các ngân hàng không tăng đủ vốn
pháp định. Dường như có đánh đồng ngân hàng nhỏ là ốm yếu, ngân hàng to là khỏe
mạnh. Trong khi chất lượng của ngân hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như
trình độ quản trị, điều hành; bảo đảm các tỷ lệ an toàn vốn; mức độ rủi ro, đặc
biệt là rủi ro tín dụng... Còn mức vốn điều lệ chỉ là một trong những yếu tố bảo
đảm an toàn, chứ không quyết định chất lượng, hiệu quả.
Tăng vốn
lên bao nhiêu chăng nữa, mà NHNN không kiểm soát được hoạt động kinh doanh,
không tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời
nguy cơ mất an toàn, thì cũng vô nghĩa. Tăng vốn không đồng nghĩa với việc tăng
chất lượng tài sản có; phân loại nợ chính xác và giảm tỷ lệ nợ xấu; tăng chất
lượng quản trị, điều hành; tăng hiệu suất lợi nhuận. Ngược lại, dù vốn thấp,
nhưng quản lý tốt, thì cũng vẫn bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Bao nhiêu vốn
thì đủ là do các ngân hàng tự quyết định, dựa trên tiêu chí an toàn vốn và điều
kiện liên quan như mở mỗi chi nhánh phải có từ 50-100 tỉ đồng vốn. Thị trường
chứ không phải là mức vốn pháp định tạo ra ngân hàng lớn.
Mặt khác, cần
có đủ loại ngân hàng lớn, vừa và nhỏ, phù hợp với đại đa số khách hàng trên thị
trường là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng,
theo quy định được phép cho vay mỗi doanh nghiệp tới 150 tỉ đồng. Số tiền đó đã
lớn gấp rưỡi tổng nguồn vốn của một doanh nghiệp được xếp vào loại lớn theo quy
định của Chính phủ.
Vậy liệu có cần thiết ép buộc tất cả các ngân hàng phải trở
thành những doanh nghiệp siêu lớn? Là ngân hàng nhỏ, thì càng dễ hợp nhất, sáp
nhập, giải thể. Nếu bị phá sản, thì ngân hàng càng nhỏ càng ít gây nguy hiểm
cho hệ thống. Bắt phải tăng vốn, buộc phải lao vào chạy đua, đã ốm yếu càng
nguy nan.
Gian nan
tăng vốn
Tăng vốn là
việc bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới, với giá thấp nhất là
bằng mệnh giá. Việc tăng vốn chỉ hợp lý khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng không thấp
hơn tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của không ít ngân hàng chỉ đạt dưới
10% và cổ tức thì còn thấp hơn nhiều, giá cổ phiếu của ngành ngân hàng đã bị tụt
giảm một cách thảm hại, thậm chí là dưới mệnh giá và tính thanh khoản rất thấp
(mà nguyên nhân chính là do tăng vốn quá nhanh).
Do đó bài toán tăng vốn là vô
cùng nan giải, đặc biệt là khối lượng cổ phần phát hành mới quá lớn, đến mức bội
thực. Quyền lợi mua cổ phần của cổ đông ngân hàng trong trường hợp này trở
thành hữu quyền vô lợi.
Gần đây,
NHNN đã cho phép một số ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng được niêm yết
trên sàn chứng khoán để tăng cơ hội huy động đủ vốn điều lệ. Không có gì đảm bảo
rằng ngân hàng lên sàn sẽ lập tức kiếm được gấp ba lần số vốn điều lệ hiện hữu.
Như vậy, khác nào cho phép các ngân hàng đặt cược với thị trường chứng khoán tập
trung? Và hậu quả giải thể, sáp nhập xảy ra trong trường hợp này chắc chắn là xấu
hơn khi chưa cho niêm yết.
Rồi yêu cầu
tăng vốn cấp tập, nhưng đồng thời lại giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi cá nhân
và pháp nhân lần lượt từ 20-40% xuống còn một nửa vào năm 2009 và chỉ còn 5-15%
kể từ năm 2011 theo dự thảo Luật các tổ chức tín dụng mới.
Như vậy, dù cổ đông
có tiềm lực tài chính hùng mạnh thì cũng buộc phải nhường việc mua thêm cổ phần
cho người khác. NHNN giải thích rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu là để tránh nguy
cơ một nhóm nhỏ cổ đông chi phối hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, chi phối gồm
hai dạng, làm cho hoạt động của ngân hàng xấu đi hoặc tốt lên.
Vậy, không hiểu
tại sao người ta lại chỉ nghĩ đến việc xấu? Mà để tránh việc xấu thì đã có hàng
chục cơ chế luật pháp ràng buộc như: chủ tịch HĐQT không được kiêm tổng giám đốc;
bắt buộc phải có ít nhất một nửa số thành viên HĐQT độc lập và không điều hành;
cấm cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành vay vốn; tổng dư nợ đối
với tất cả các cổ đông lớn và một số đối tượng khác không quá 5%...
Sáp nhập liệu
có là giải pháp tốt?
Quan điểm
thúc đẩy việc tăng vốn bằng hợp nhất, mua bán, giải thể, sáp nhập là cho rằng
đang thừa ngân hàng. Vậy, tại sao tình trạng cho vay nặng lãi trong xã hội lại
tràn lan và nặng nề như hiện nay? Phải chăng là vì còn thiếu ngân hàng hay vì
toàn ngân hàng to hàng ngàn tỷ, không còn ngân hàng nhỏ phục vụ những nhu cầu
nhỏ lẻ, đa dạng, tất yếu của cuộc sống?
Nếu thực sự
tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ hoạt động, theo quy luật mèo nhỏ bắt chuột
nhỏ, thì sẽ không xảy ra tình trạng, nhỏ cản mũi lớn, làm rối thị trường. Nếu
ngân hàng nhỏ chỉ được hoạt động trong phạm vi một vài tỉnh, với vài chi nhánh,
chỉ huy động và cho vay các món nhỏ, đúng với năng lực và các giới hạn luật định,
thì sao nó có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Lo sợ các
ngân hàng nhỏ làm loạn thị trường, nên sáp nhập nhằm giảm bớt ngân hàng, thì liệu
có mâu thuẫn khi dẫn tới khả năng một hoặc một nhóm ngân hàng lớn sẽ thao túng
thị trường tài chính, tiền tệ? Cho rằng sắp xếp lại, để càng ít ngân hàng, càng
dễ kiểm soát, liệu có tạo ra một nghịch lý khác là ngân hàng càng lớn, thì càng
phức tạp và lại càng khó kiểm soát?
Và điều
quan trọng hơn là, lấy gì khẳng định rằng sáp nhập vào sẽ mạnh lên? Nhất là mấy
ngân hàng yếu kém sáp nhập lại với nhau thì chỉ có cộng thêm vốn, chứ những yếu
tố khác ít có cơ hội nhân lên, nếu không muốn nói là còn yếu đi.
Mấy ngân hàng
thiếu vốn sáp nhập với nhau sẽ cho ra một ngân hàng có đủ vốn pháp định, đúng với
ý chí của NHNN, nhưng không mang lại đội ngũ quản lý giỏi hơn, không có được chất
lượng hoạt động tốt hơn, càng không có gì bảo đảm cho sự an toàn hơn.
Một ngân
hàng yếu kém thì cần phải chấm dứt hoạt động, nếu đó là yếu kém do nguyên nhân
khác. Còn nếu chỉ vì lý do không đạt được một mức vốn pháp định quá cao so với
mặt bằng nền kinh tế, mà lại nhập vào nhau, thì chỉ là phép cộng giản đơn,
không làm tăng thêm sức mạnh gì cho chính nó cũng như cho toàn hệ thống, thậm
chí còn là ngược lại.
Theo Luật
sư Trương Thanh Đức
TBKTSG