Giao dịch liên ngân hàng có thực hiện được vào ngày nghỉ?
Theo phản ánh của ông Đình Quang (Thái Nguyên), ông Quang thực hiện giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ tài khoản Vietinbank sang Agribank từ tối thứ Sáu, nhưng đến 9 giờ sáng thứ Hai, tài khoản Agribank vẫn chưa nhận được tiền.
Theo trả lời của Vietinbank, hoạt động giao dịch trực tuyến phụ thuộc vào hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, dođó ngoài giờ làm việc và vào các ngày nghỉhệ thống không hoạt động.
Ông Quang thắc mắc, tại sao Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trực tuyến tự động trong các ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc? Nếu các ngân hàng làm chậm các giao dịch nhằm chiếm dụng tiền của các khách hàng thì việc kiểm soát, kiểm tra và công khai vấn đề này được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến sau:
Việc thanh toán, chuyển tiền giữa các ngân hàng
Hiện nay, việc thanh toán, chuyển tiền giữa các ngân hàng thường được thực hiện theo các cách thức sau:
- Thanh toán song phương giữa các ngân hàng;
- Thanh toán qua các hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Về thời gian giao dịch của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Thông tư số 13/2013/TT-NHNN quy định “Thời điểm các đơn vị ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp là 16 giờ 00 phút và ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị cao là 17 giờ 00 phút của ngày làm việc”.
Việc hoạt động giao dịch trong các ngày nghỉ, ngày lễ và trực quyết toán do Ban điều hành hệ thống thanh toán liên ngân hàng quyết định.
Về việc thực hiện giao dịch trực tuyến tự động trong các ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc: Thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 2453/QĐ-TTg ngày 27/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hiện đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) nhằm bù trừ, thanh toán tự động 24/7 cho các giao dịch thanh toán bán lẻ.
Về việc ngân hàng làm chậm các giao dịch
Do độc giả chỉ phản ánh tới thời điểm 9 giờ sáng thứ Hai nên Ngân hàng Nhà nước không biết chính xác việc ngân hàng đã xử lý lệnh thanh toán vào thời điểm nào. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa đủ căn cứ để kết luận ngân hàng làm chậm giao dịch nhằm chiếm dụng tiền của khách hàng.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức tín dụng có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất về những thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật.