MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ ổn định mặt bằng lãi suất

20-07-2015 - 14:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ thị trường cũng như từ góc độ của cơ quan điều hành chính sách có thể thấy, chưa đủ cơ sở khiến chúng ta có thể lo ngại lãi suất cho vay tăng.

Thanh khoản của các NH vẫn tốt

Vấn đề lãi suất đã trở thành chủ đề tốn không ít giấy mực của giới truyền thông cũng như chuyên gia khi các NH điều chỉnh lãi suất huy động (LSHĐ) tăng sau nhiều năm liên tục giảm. “LSHĐ sau hơn 4 năm liên tiếp giảm khiến mặt bằng lãi suất hiện đã giảm 40-50% so với năm 2011, nên khi thấy các NH điều chỉnh tăng đã tạo sự chú ý như vậy!” – một chuyên gia NH đã chia sẻ với phóng viên.

Đứng ở góc độ cơ quan tham mưu cho Thống đốc về điều hành, ông Bùi Quốc Dũng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, những thông tin bình luận về việc các NH tăng LSHĐ khá nhiều và cũng đã có những câu hỏi đặt ra rằng, liệu có cuộc chạy đua tăng lãi suất không và có tác động đến lãi suất cho vay (LSCV) trong thời gian tới?

“Chúng tôi đã phân tích các dữ liệu và thấy rằng, một số NHTM bắt đầu tăng LSHĐ vào đầu tháng 4/2015”, ông Dũng cho biết. Thời điểm đó có 4 – 5 NH ngay sau khi tăng lãi suất thì lại điều chỉnh về mức lãi suất cũ và là mức phổ biến trên thị trường.

Gần đây có hơn 10 NH tăng LSHĐ nhưng qua theo dõi của NHNN cho thấy, do trước đây mặt bằng LSHĐ của họ ở mức mặt sàn của thị trường, giờ điều chỉnh lên mức phổ biến của thị trường. Hay nói cách khác các NH đó đã đưa lãi suất về mức thấp quá (thậm chí dưới cả mức trần với kỳ hạn 6 tháng theo quy định của NHNN-PV) nên phải điều chỉnh quay trở lại bằng mức lãi suất phổ biến như một số NH khác để tạo mặt bằng trên hệ thống.

“Do đó, mặt bằng lãi suất hiện nay ở các TCTD cũng không nhiều thay đổi. Có chăng chỉ là sự thay đổi ở các NH có LSHĐ thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường và nay họ điều chỉnh về mức phổ biến của thị trường” – ông Dũng khẳng định.

Theo thông tin trên trang laisuat.vn, hiện LSHĐ của các NH, với kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn ở mức dưới 6%/năm, còn lại mức trên 6%/năm chủ yếu với các kỳ hạn dài.

Sự biến động LSHĐ vừa qua cũng đã có một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh này xuất phát từ căng thẳng thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, qua số liệu của Vụ Chính sách tiền tệ, nhìn trên chỉ số dư nợ/ vốn huy động (LDR) hiện nay là 91%, cao hơn một chút so với mức 89,1% một năm trước đây.

Tuy nhiên, một năm trước đây, tỷ lệ LDR phản ánh hiện tượng dư thừa thanh khoản quá mức. Còn bây giờ đầu ra cao nên đương nhiên LDR cao hơn một chút cũng hợp lý. Nếu đối chiếu với nhiều năm trước thì đây là năm có tỷ lệ LDR tốt hơn cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Còn nếu “bóc tách” ra từng NH, theo Vụ Chính sách tiền tệ, một số NH lớn có hệ số LDR cao nhưng lại có cấu phần nguồn vốn đặc thù. Các NH trong nhóm này có quan hệ với các khách hàng lớn nên lượng tiền gửi cũng rất ổn định, LSHĐ thấp.

Về lý thuyết, LDR cao thì đồng nghĩa với việc NIM (tỷ lệ lãi cận biên) thấp và khi các NHTM huy động vốn tốt, nguồn ổn định và chi phí rẻ hơn nên không lo LSCV tăng. Ngoài ra, nhiều NHTMCP hiện có chỉ số LDR dưới 80%, thậm chí có NH LDR chỉ 50 - 60%, tức là dư thừa vốn mạnh.

“Nếu nói rằng tăng LSHĐ vì thanh khoản thì không phải và lo ngại về việc tăng LSCV trong thời gian tới cũng không đúng, bởi trong bối cảnh cạnh tranh thị trường giữa các NH gay gắt như hiện nay thì phải có mức LSCV hấp dẫn để giữ chân khách hàng tốt” – ông Dũng nói.

Tăng khả năng tiếp cận vốn NH

Như vậy, từ thị trường cũng như từ góc độ của cơ quan điều hành chính sách có thể thấy, chưa đủ cơ sở khiến chúng ta có thể lo ngại LSCV tăng.

Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, lãnh đạo của nhiều NH cho rằng, chưa có cơ sở để lo ngại LSCV sẽ tăng. Và việc một số NHTM điều chỉnh LSHĐ vừa qua do tác động nhẹ từ tỷ giá. Khi tỷ giá biến động, người dân băn khoăn trong việc nên giữ VND hay ngoại tệ đã tác động lên lãi suất. Nhưng từ giờ tới cuối năm, với áp lực tăng trưởng tín dụng cao sẽ đẩy mặt bằng LSHĐ tăng hơn, qua đó LSCV liệu có tăng lên?

Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc ACB cho biết, mục tiêu hàng đầu của NH hiện nay là cho khách hàng vay vốn và thu hồi được vốn và lãi. Còn vấn đề tăng hay giảm lãi suất thì còn tùy theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và theo góc độ của thị trường.

Liên quan tới vấn đề khả năng tiếp cận vốn NH mà DN quan tâm tại Hội nghị “Thu hút DN đầu tư cho nông nghiệp – nông dân - nông thôn” mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các TCTD chỉ là trung gian tài chính.

NH huy động vốn của người dân để cho vay thì việc cho vay cũng phải đảm bảo thu hồi nguồn vốn đó để trả lại cho người gửi tiền. Bởi vậy, các DN mà đủ điều kiện vay vốn sẽ không thiếu các NH cho vay, nhất là DN hoạt động trong các lĩnh vực được khuyến khích. Vì vậy, từ quan điểm của cơ quan quản lý, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN đòi hỏi bản thân DN phải “nâng giá” mình lên.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc, DN cũng phải chủ động. Chủ động ở đây có nghĩa là DN phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, ý tưởng dự án khả thi. Để tiếp cận được vốn NH thì kinh nghiệm, khả năng quản trị dòng tiền của DN phải được nâng cao… Nếu tất cả đều được nâng cao thì lúc đó DN đã “có giá”, các NH sẽ tự tìm đến, thậm chí phải cạnh tranh nhau để trở thành đối tác của DN.

Với rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, trong đó có NH, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực. Tín dụng đã tăng trưởng trở lại và tăng ngay từ đầu năm, góp phần vào tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,11%.

 

 

Theo Quang Cảnh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên