MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu M&A với những món nợ khủng

30-07-2015 - 16:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Mọi kế hoạch cho việc sáp nhập đã được thông qua và đang từng bước gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, hậu M&A NH sau sáp nhập phải gánh những món nợ “khủng” không thể xử lý trong một sớm một chiều.

Sáp nhập lợi nhuận giảm 2/3

Hoàn tất sáp nhập MDB vào Maritime Bank trong quý II-2015, kế hoạch lợi nhuận NH sau sáp nhập được Maritime Bank đưa ra cho cả năm nay khá khiêm tốn: Tổng tài sản 109.576 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm trước; huy động vốn 79.275 tỷ đồng, tăng 17%; dư nợ tăng 6,8% so với năm trước; nợ xấu kiểm soát dưới 3%. HĐQT Maritime Bank sau sáp nhập thừa nhận gánh nặng giải quyết nợ xấu nên lợi nhuận trong năm dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước trích lập dự phòng năm 2015 là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau dự phòng khiêm tốn với 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014.

Năm 2014, tổng tài sản của Maritime Bank đạt 104.369 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cuối năm 2013; huy động vốn thị trường I, bao gồm cả phát hành trái phiếu, đạt 66.874 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm trước; dư nợ tín dụng đạt 39.352 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước khi trích lập 985 tỷ đồng, vượt kế hoạch đưa ra (951 tỷ đồng), nhưng sau trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 162 tỷ đồng, bằng 40,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Maritime Bank đến cuối năm 2014 là 2,61% trên tổng dư nợ. Maritime Bank cho biết năm 2014 bán hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và chuyển một số khoản nợ thành vốn góp cổ phần của doanh nghiệp vay. Chính vì lợi nhuận giảm do phải trích lập nên HĐQT Maritime Bank cho biết kế hoạch năm 2015 sẽ không chia cổ tức cho cổ đông.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc làm thế nào để xử lý được nợ xấu của SouthernBank sau sáp nhập và mất thời gian bao lâu, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho rằng Sacombank đã có kế hoạch xử lý nợ xấu của SouthernBank trong 3 năm. Theo kết luận của Thanh tra NHNN, nợ xấu SouthernBank đến cuối năm 2013 ở mức 18.786 tỷ đồng, đã thực hiện xử lý thu hồi nợ hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC gần 2.000 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế SouthernBank chỉ đạt 18 tỷ đồng, năm 2014 lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng… 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, Sacombank có lợi nhuận thu về những năm qua đều đạt khả quan 2.800 - 3.000 tỷ đồng.

Do vậy, với việc sáp nhập SouthernBank sẽ khiến dự phòng rủi ro tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 đạt 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế). Hiện nợ xấu Sacombank chiếm 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của SouthernBank xấp xỉ 6%. Tại ĐHCĐ bất thường mới đây, lãnh đạo Sacombank đã trình bày phương án sáp nhập cũng như các kế hoạch xử lý nợ xấu, các vấn đề có thể nảy sinh sau sáp nhập, đặc biệt là điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Khó xử lý nợ xấu nhanh sau M&A

Thực tế cho thấy, không phải nhà băng nào cũng có thể hoàn tất được việc xử lý nợ xấu như kế hoạch đề ra ban đầu. Bởi thị trường khó khăn, tình hình xử lý nợ xấu có những khó khăn nhất định. Đơn cử như SHB sau khi sáp nhập Habubank giữa năm 2012, đến nay vẫn chưa thể chấm dứt việc xử lý nợ xấu từ Habubank. Cụ thể năm 2012, SHB đã phải dành lợi nhuận để xử lý khoản thua lỗ hơn 1.660 tỷ đồng của Habubank chuyển sang, tiếp nhận khối nợ xấu hơn 5.504 tỷ đồng, chiếm 32% dư nợ vào đầu năm 2012.

Thời gian đầu sau sáp nhập, các chỉ tiêu tài chính của SHB đã bị ảnh hưởng theo hướng giảm mạnh con số lợi nhuận, cổ tức, tỷ suất lợi nhuận, chỉ số P/E… Theo báo cáo tài chính, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 208 tỷ đồng trong quý I-2015, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, do phải trích dự phòng rủi ro. Ngay như NH hợp nhất SCB, sau 3 năm hợp nhất đến nay tổng nợ xấu nhà băng này phải bán cho VAMC đã lên trên 13.000 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm nay đạt con số 15.000 tỷ đồng. Và mỗi năm NH phải trích 20% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu đã bán.

Tổng giám đốc một NHTM tại TPHCM cho biết, với tổng khối lượng nợ xấu NH ông đã bán cho VAMC hiện nay rất lớn, nhưng kỳ vọng xử lý nhanh là không thể. Một phần do tình hình kinh tế còn những khó khăn nhất định, còn thị trường bất động sản (BĐS) ấm lên ở phân khúc giá nhà phù hợp và khách hàng chủ yếu mua để ở. Trước diễn biến CPI trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thấp, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%. Điều này cho thấy thu nhập của người dân không tăng nên chi tiêu mua nhà sẽ khó cao. Cho dù nhu cầu mua nhà của khách hàng có, song tín dụng cho vay mua nhà rất khó tăng trưởng đột biến, NH khó có thể dễ dàng chuyển nhượng, phát mãi BĐS thu hồi nợ.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho biết để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu hiện nay không dễ, cho dù NH phải chấp nhận hy sinh giảm và thậm chí là miễn lãi suất cho khách hàng. Vì thế, trong năm nay kế hoạch DongA Bank sẽ bán tiếp 7.000 tỷ đồng nợ xấu, song việc xử lý thu hồi nợ cũng chỉ ở mức thấp. Bởi theo lý giải của DongA Bank, tài sản đảm bảo chủ yếu là BĐS nhưng không dễ phát mãi.

 

Theo Bảo Lâm

Sài Gòn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên