HDBank đẩy mạnh cho vay lại nguồn vốn quốc tế
Là ngân hàng đầu tiên thực hiện mua bán sáp nhập tự nguyện (nhập DaiABank vào HDBank từ năm 2013), đến nay sau 3 năm, ngân hàng đã có những thay đổi đáng kể đặc biệt trong hoạt động tín dụng được thị trường ghi nhận.
Là một ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong nhóm đầu về tài sản và vốn, việc HDBank trở thành tổ chức đầu tiên được Bộ Tài chính lựa chọn để cho vay lại vốn ODA đã khẳng định tiềm lực tài chính và niềm tin về một thương hiệu ngân hàng vững mạnh.
Mới đây, HDBank lại là 1 trong 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân Dự án tín dụng quốc tế ODA - tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEFP) năm 2015.
SMEFP được biết đến là chương trình cho vay được các ngân hàng phối hợp với Ban Quản lý các Dự án tín dụng quốc tế – NHNN và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ra đời nhằm hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần đáng kể trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhận được sự hưởng ứng tích cực.
Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết, không phải bây giờ HDBank mới tham gia cho vay lại nguồn vốn quốc tế. Nói riêng về giải ngân vốn SMEFP, nhiều năm qua, qua hệ thống HDBank, ngày càng nhiều doanh nghiệp SME đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Các giai đoạn, giai đoạn II từ năm 2005 và giai đoạn III từ năm 2009 đến nay, HDBank luôn duy trì quy trình thẩm định,giải ngân, hỗ trợ để sao cho doanh nghiệp luôn được vay nguồn SMEFP với các mức lãi suất ưu đãi, vốn đã được ưu đãi gốc rất tốt.
“Việc HDBank luôn duy trì tỷ lệ giải ngân cao trên hạn mức được cấp từ Ban Quản lý dự án ODA của NHNN đã khằng định được sự phát triển vững mạnh của HDBank cùng với cộng đồng SME, cũng như sự tín nhiệm của NHNN", ông Thanh nói.
Nếu như tiếp cận vốn quốc tế và giải ngân vốn quốc tế theo các chương trình JICA là nỗ lực và cống hiến khá dài hạn của HDbank, thì một trong những đột phá của ngân hàng năm 2015 là ngân hàng đã tham gia quản lí, giải ngân vốn cho nhiều dự án có giá trị lớn, trong vị thế của NHTMCP đầu tiên được Bộ Tài chính lựa chọn cho tham gia cho vay lại nguồn vốn ODA.
Tiêu biểu trong số các dự án cho vay vốn quốc tế ODA mà HDBank đã và đang thực hiện ở nhiều góc độ khác nhau, phải kể đến chương trình cho vay lại hơn 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA từ JICA để thực hiện Dự án cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 2; tham gia quản lí và cho vay lại tại dự án thích ứng biến đổi khí hậu cho 2 tỉnh Trà Vinh & Bến Tre trị giá 34 triệu USD của tổ chức IFAD; đóng vai trò đơn vị chính trực tiếp thẩm định năng lực khách hàng, quản lý, và đôn đốc trả nợ vay đúng hẹn tại dự án nâng cấp/cải tạo hệ thống mạng lưới điện DPL3 trị giá 200 triệu USD từ World Bank…
Nhìn lại bước đột phá trong cho vay dự án với vốn quốc tế, trước đó năm 2014, HDBank trở thành ngân hàng đã tiên phong phục vụ “một cửa” cho khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản – vốn dĩ rất khắt khe trong việc lựa chọn dịch vụ.
Việc hướng đến là ngân hàng chuyên biệt trong phục vụ doanh nghiệp nước ngoài, nhất là với những doanh nghiệp đến từ Nhật, không ngừng đa dạng sản phẩm dịch vụ cùng mục tiêu vươn ra tầm quốc tế, thông qua bước hợp tác chiến cùng Ngân hàng Hyakugo (Nhật Bản để cho ra mắt "Dịch vụ Bàn Nhật-Japan Desk” có thể nói không chỉ dừng ở mức đón đầu tư chiến lược cùng một đối tác, mà là cơ hội để HDBank phát triển mạnh mẽ theo hướng ngân hàng “một cửa” phục vụ cho cộng đồng DN trong và ngoài nước– điều mà chỉ một tổ chức mạnh tài chính, vững quản trị theo chuẩn mực mới có thể đạt tới.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng với hướng đi này, cùng sự khơi mở các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) và sắp tới là Hiệp định TPP được kí kết, HDBank đã chính thức đón đầu làn sóng hội nhập sâu giữa Việt Nam với kinh tế toàn cầu.