MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huyền Như tiếp tục “chiêu” không biết, không trả lời

10-01-2014 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay (10.1), phiên tòa bước vào ngày thứ 5 xét xử, vẫn diễn ra phần xét hỏi của các luật sư.

Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất cho mọi người dự tòa hôm nay, đó là “chiêu” im lặng, không nhớ, không trả lời của bị cáo Huyền Như ngày hôm qua (9.1) vẫn tiếp diễn. Bị cáo Võ Anh Tuấn cũng dở “chiêu” tương tự như Huyền Như trước câu hỏi của các luật sư.

    Trước các câu hỏi của 4 luật sư tham gia phần xét hỏi vào đầu giờ sáng nay (10.1), bị cáo Huyền Như đều: “Dạ không nhớ rõ…”, “không trả lời” và… im lặng. Phiên tòa càng thêm “khó chịu” vì cứ câu hỏi nào đụng đến việc khách hàng gửi tiền vào Vietinbank hay gửi cho bị cáo Huyền Như, thì bị cáo này đều “đã khai ở Cơ quan điều tra, không trả lời”.

    Đối với các câu hỏi của luật sư đặt ra cho bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó phòng giao dịch Nhà Bè, Vietinbank), so với ngày hôm qua (9.1), thì ngày hôm nay (10.1), bị cáo này cũng “bị lây chiêu” “không nhớ, không biết, không trả lời”, hay “đã khai với Cơ quan điều tra rồi” (!?).

    Khi luật sư bào chữa cho bị cáo Huyền Như hỏi bị cáo Nguyễn Thiên Lý (bị truy tố về hành vi cho vay lãi nặng), thì bị cáo Lý cho rằng: “Trong thời gian làm ăn với Huyền Như, bị cáo Như tỏ rất rất cứng đầu, làm sai nhưng cứ không chịu, cứ lao vào làm hết sai này đến sai khác”.

    Đến phần luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho ACB và bào chữa cho bị cáo Lành) đã làm phiên tòa “nóng” lên. Luật sư Lưu Văn Tám hỏi bị cáo Huyền Như: “Trước khi làm giả giấy tờ, giữa bị cáo và bị cáo Lành có bàn bạc, có nhờ Lành, hay làm một mình?”, bị cáo Như trả lời: “Dạ làm một mình”. “Khi bị khởi tố Lành mới biết. Toàn bộ số tiền 15 tỉ đồng của Ngân hàng VIB, ai là người nhận?”, luật sư hỏi. Bị cáo Như: “Không nhớ rõ”. Luật sư bồi tiếp: “Hiện bị cáo Lành bỏ tiền túi ra, bị cáo nghĩ sao về số tiền này?”, bị cáo Như: “Bị cáo không trả lời”.

    Luật sư Lưu Văn Tám chuyển sang hỏi về số tiền Ngân hàng Á Châu (ACB) gửi vào Vietinbank, lúc này cả khán phòng tòa “nóng” lên. “Tôi đề nghị HĐXX triệu tập Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam đến tòa. Bởi ông Chủ tịch ngân hàng này vừa phát biểu công bố trên báo chí ngày 9.1, rằng Vietinbank không liên quan gì đến vụ án Huyền Như, toàn bộ số tiền của cá nhân, ngân hàng, Cty gửi qua Huyền Như, không cập nhật vào hệ thống của Vietinbank. Như vậy cần phải triệu tập ông Chủ tịch Vietinbank đến tòa để trả lời”.

    Chuyển sang phần hỏi bị cáo Huyền Như, luật sư Lưu Văn Tám nhấn mạnh: “Mong rằng chị Huyền Như hợp tác với chúng tôi. Chị vào làm việc tại Vietinbank năm nào? Được bổ nhiệm chức danh quyền trưởng phòng năm nào?”. Bị cáo Như thưa: “Dạ vào làm năm 2001, được bổ nhiệm năm 2010”. Khi luật sư hỏi tiếp “Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ nơi bị cáo làm Quyền trưởng phòng có phải là chi nhánh cấp 1 không?” thì bị cáo Như trả lời: “Tôi không rõ”.

    Trước câu trả lời “không biết” của Huyền Như, luật sư công bố sơ đồ của Vietinbank, cho biết Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chính là chi nhánh cấp 1. “Trưởng phòng giao dịch, theo chị là chức danh quản lý của ngân hàng không?”, luật sư hỏi. Bị cáo Như vẫn dở chiêu: “Dạ không rõ”.

    “Cương vị cao nhất phòng giao dịch là chị đúng không?”, với câu hỏi đơn giản và bình thường này, bị cáo Huyền Như đã khiến mọi người dự tòa cảm thấy bực mình: “Thưa HĐXX bị cáo không trả lời”. Luật sư tiếp: “Thì bị cáo có quyền cao nhất phòng giao dịch hay không thôi, đơn giản vậy mà?”, lúc này Huyền Như đáp: “Dạ phải”.

    “Theo chị Phòng giao dịch có nhận tiền gửi, chi trả tiền gửi không? Có mở tài khoản không?”, bị cáo Như tiếp tục chiêu: “Tôi không nhớ”.

    “Khi huy động vốn thì chính sách của Vietinbank có chi trả phần ngoài lãi suất không?”, luật sư hỏi, bị cáo Như lại: “Tôi không nhớ”.

    “Khi huy động ACB, chị có trao đổi gì với bà Hương Phó Giám đốc Vietinbank TPHCM để ký 32 hợp đồng?”, bị cáo Như: “Dạ không, anh Hoàng chị Hương ký hợp đồng tôi không biết. Tôi tự đàm phán với chỗ chị Ngọc bên ACB”.

    “Sao bị cáo không ký trực tiếp với 17 cán nhân của ACB, mà để ông Hoàng bà Hương ký ?”, luật sư hỏi, bị cáo Như lại tiếp tục: “Tôi không trả lời”. “Vậy ông Hoàng bà Hương ký 32 hợp đồng thì có đúng quy định pháp luật?”, luật sư tiếp. Bị cáo Như: “Tôi không trả lời”.

    Lúc này luật sư công bố bản cung Huyền Như khai tại Cơ quan điều tra, là 32 hợp đồng là đúng quy định pháp luật.

    “Theo chị, sau khi Vietinbank ký 32 hợp đồng, thì số tiền đó chuyển vào Vietinbank chưa?”, luật sư hỏi, bị cáo Như: “Tôi không trả lời”. Luật sư lại công bố tại tòa về 32 hợp đồng tiền gửi của 17 cá nhân ACB gửi vào Vietinbank TPHCM, chị có xác định được không?”, bị cáo Như lại nại: “Kính thưa HĐXX, Cơ quan điều tra tra xác định rồi, bị cáo khẳng định là bị cáo lừa đảo chiếm đoạt. Bị cáo cho là 32 hợp đồng sai”.

    Luật sư tiếp: “Đến nay, chưa có cơ quan nào, tòa án nào tuyên 32 hợp đồng này là sai”. Lúc này bị cáo Như mới đáp: “Bị cáo nói không phải là 32 hợp đồng đó sai”.

    Luật sư Lưu Văn Tám hỏi tiếp: “Khoản tiền ký 32 hợp đồng này chuyển sang Vietinbank chưa ?”, bị cáo Như lại đáp: “Bị cáo không rõ”. Luật sư lập tức công bố tất cả các bản sao kê chi tiết liên quan đến 32 hợp đồng tiền gửi của 17 cá nhân ACB gửi vào Vietinbank TPHCM và nhấn mạnh: “Tôi cung cấp toàn bộ bản sao kê và 32 bản hợp đồng ngay lúc này cho tòa, để xác định số tiền 668 tỉ đồng đã được chuyển vào đầy đủ cho Vietinbank”.

    Luật sư hỏi tiếp: “Chị cho biết theo quy định của Vietinbank, quy trình Ngân hàng Công thương để cho cá nhân, đơn vị vay tiền?”, bị cáo Như: “Tôi không nhớ”. “Chị là Trưởng phòng giao dịch, vậy khách hàng đến phòng phòng giao dịch thì cần giấy tờ gì để vay tiền?”, luật sư hỏi, bị cáo Như vẫn: “Không nhớ”.

    Luật sư tiếp tục công bố lời khai Huyền Như khai quy trình tại cơ quan điều tra, chính bản khai do tay Huyền Như viết, lúc này bị cáo Như mới nói là “chính xác”. Luật sư hỏi: “Muốn vay tiền, thì ký mấy hợp đồng? Hợp đồng vay và hợp đồng đảm bảo vay tài sản?”, bị cáo Như lại: “Không nhớ”.

    “Tôi không nhớ, bị cáo Như cứ nói không nhớ thì vấn đề sơ đẳng của nghân hàng mà chị không nhớ, không biết thì nên xem lại”, luật sư nhận xét.

    “Sau khi ký tất cả hồ sơ thì bên cho vay mới giải ngân chứ?”, luật sư hỏi tiếp, bị cáo Như: “Dạ luật sư cứ xem quy trình, không trả lời câu hỏi của luật sư”. “Vậy khi nào hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng cầm cố, thời điểm nào đem ra xử lý ”, bị cáo Như vẫn không trả lời.

    “Theo như cáo trạng thì bị cáo làm giả toàn bộ 83 thẻ tiết kiệm giả của các cá nhân ACB”, luật sư hỏi, bị cáo Như: “Dạ đúng”. “Vậy với thẻ giả, hợp đồng giả Vietinbank có cho vay được không ?”, luật sư tiếp, bị cáo Như liền đáp: “Bị cáo không nói là thẻ giả?”, luật sư: “Bị cáo vừa nói là thẻ giả mà?”, lúc này Huyền Như lại né tránh: “Dạ không trả lời câu hỏi”.

    “Bị cáo có biết nguồn thu nợ ở đâu? Biết việc lấy tiền của ACB gửi vào Vietinbank để thu nợ cho việc chiếm đoạt tiền của bị cáo không?” luật sư hỏi, bị cáo Như lại: “Bị cáo không biết”.

    “Theo quy định, thì tiền đảm bảo vay phải cao hơn tiền cho vay?”, câu trả lời của bị cáo Như vẫn là “Không nhớ, bị cáo không trả lời”. Luật sư tiếp: “Khi xử lý các khoản nợ này, khi trừ khoản vay, thì phải còn lại một phần chứ?”, bị cáo Như vẫn không trả lời.

    Luật sư đang hỏi, thì HĐXX cắt ngang vì cho rằng đến giờ nghỉ trưa. Đúng 11h, HĐXX cho tạm nghỉ.

    Theo Phùng Bắc

    hangnt

    Lao động

    Trở lên trên