MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể dự đoán được 3 lần điều chỉnh, 2 lần nới biên độ tỷ giá của NHNN, nhiều ngân hàng lỗ kinh doanh ngoại hối

24-02-2016 - 17:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động kinh doanh ngoại hối từng mang lại lợi nhuận lớn trước đây thì năm 2015 lại khiến nhiều nhà băng, trong đó có cả "ông lớn" như VietinBank phải đau đầu. Còn với VPBank, Techcombank thì quả thật là đã phải "ôm đầu".

Báo cáo tài chính quý IV/2015 của các ngân hàng đã hé lộ những khoản lỗ khá lớn về hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Nhiều ngân hàng thua lỗ trong kinh doanh ngoại hối

VPBank là ngân hàng thiệt hại nhiều nhất trong hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong qúy IV/2015, ngân hàng này đã lỗ thuần gần 200 tỷ đồng vì ngoại hối, lũy kế cả năm lỗ 290 tỷ đồng. Năm trước, mảng hoạt động này cũng khiến VPBank lỗ 90 tỷ đồng.

Năm qua mảng ngoại hối của Techcombank cũng là một nốt trầm. Trong qúy IV/2015, Techcombank đã lỗ thuần gần 114 tỷ đồng vì ngoại hối và cả năm lỗ 192 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ngân hàng lãi gần 23 tỷ đồng.

Trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, Eximbank lâu nay vẫn là ngân hàng khá nổi về kinh doanh ngoại hối, nhưng vài năm gần đây nhà băng này lại không gặp vận ở chính nghề kinh doanh tay phải của mình.

Còn nhớ, vào năm 2013 Eximbank đã phải “ngậm quả đắng” vì ngoại hối. Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý IV/2013 lỗ gần 229,6 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 180 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012 và cả năm phải "ôm" khoản lỗ 113 tỷ đồng từ mảng này.

Đến năm 2014, ngân hàng vừa tìm lại được sự ổn định và vực dậy được hoạt động quan trọng này tuy nhiên sang năm 2015, do tình hình biến động chung đặc biệt 3 tháng cuối năm, ngân hàng đã lỗ trở lại với 6,6 tỷ đồng. Mặc dù cả năm, ngân hàng vẫn kiếm được khoản lãi thuần hơn 62 tỷ đồng từ ngoại hối song đã giảm tới 64% so với năm trước.

Ở VIB, trong 2 năm trở lại đây, mảng kinh doanh ngoại hối cũng liên tục hoạt động kém hiệu quả. Năm 2014, VIB đã lỗ 24 tỷ đồng và kết thúc năm 2015 lỗ thêm 10,5 tỷ đồng nữa.

Một trường hợp khác là Sacombank. Tính chung cả năm hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn đem lại lợi nhuận đáng kể cho Sacombank song riêng quý IV/2015 ngân hàng lỗ hơn 29 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, hoạt động này vẫn hiệu quả khi đem lại 44 tỷ đồng lãi thuần.

Nhưng bất ngờ hơn cả là "ông lớn" VietinBank - đại gia thuộc nhóm "Big 4" cũng chịu thua lỗ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối quý IV vừa qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý IV, VietinBank đã lỗ hơn 75 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 77 tỷ đồng. Cả năm 2015, hoạt động này dù vẫn đóng góp 19,7 tỷ đồng lãi thuần vào lợi nhuận song so với năm 2014 thì giảm tới 95%.

Dù không thua lỗ từ mảng hoạt động kinh doanh ngoại hối, song với ngân hàng vốn có thế mạnh hàng đầu về hoạt động này như Vietcombank, lợi nhuận cũng sụt giảm đáng kể trong quý cuối năm vừa qua, chỉ đạt 44 tỷ đồng, giảm 83% so với mức 268 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.

Vì sao lỗ?

Theo một chuyên gia trong ngành, lợi nhuận kinh doanh ngoại hối phụ thuộc lớn vào biến động của tỷ giá trong khi năm qua tỷ giá lại gặp nhiều sóng gió. Việc NHNN phải điều chỉnh tỷ giá tới 3 lần và 2 lần nới biên độ khiến cho tiền đồng giảm giá tổng cộng hơn 5% so với USD, cùng với việc hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% đã khiến các ngân hàng thương mại phải liên tục thay đổi để thích ứng với thị trường.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do khiến các ngân hàng thua lỗ ở ngoại hối, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các ngân hàng Việt Nam thường vay USD rồi bán ra đổi lấy tiền đồng gửi trên thị trường liên ngân hàng hoặc cho vay các tổ chức kinh tế và thị trường dân cư đến khi có giao dịch thanh toán, ngân hàng sẽ phải mua USD trở lại với mức giá theo biến động thị trường.

Ông nói: "Đúng là thời gian vừa qua kinh doanh ngoại hối khá rủi ro, nhất là những ngân hàng giữ trạng thái lớn. Khi ở trạng thái dương, ngân hàng mua vào đúng thời điểm giá rẻ và bán ra với giá đắt thì có lời nhưng nếu ở trạng thái âm thì khá rủi ro, khi mua vào giá cao và bán ra giá rẻ thành ra các tổ chức ấy sẽ thua lỗ về mảng này".

Còn theo lý giải của một vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần (đề nghị giấu tên), những con số trên bảng cân đối kế toán cũng chỉ phản ánh tương đối sự lời lãi của ngân hàng trong mảng ngoại hối, không phải ngân hàng lỗ thì hoạt động không tốt mà ngân hàng nào lãi nhiều là có hiệu quả.

Về triển vọng năm 2016, theo nhận định của các chuyên gia thuộc CTCK Vietcombank (VCBS), năm nay khi cơ chế tỷ giá trung tâm mới được áp dụng khiến độ dao động của tỷ giá lớn hơn có thể là cơ hội cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các NHTM có sự khởi sắc hơn.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên