Kinh doanh vàng: Đã có lối để đi
Hoạt động mua bán vàng miếng, sản xuất vàng nữ trang là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động kinh doanh bị hạn chế.
Ngày 03/04, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ đây mọi hoạt động kinh doanh vàng như mua bán vàng miếng, vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng và cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng đều đã có hành lang pháp lý cụ thể.
Vàng tài khoản là hoạt động kinh doanh hạn chế
Từ khi Nghị định quản lý kinh doanh vàng mới chỉ là dự thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị quản lý hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản. Điều này xuất phát từ thực tế có nhiều người là các nhà đầu tư vàng, thông qua các công ty vàng vẫn kinh doanh vàng tài khoản hàng ngày mà chưa có hành lang pháp lý cụ thể.
Nếu đọc qua có thể thấy nghị định quản lý kinh doanh vàng dường như bỏ qua việc quản lý kinh doanh vàng tài khoản, nhưng thực sự không phải vậy. Các quy định quản lý hình thức kinh doanh vàng truyền thống như mua bán, sản xuất vàng miếng, vàng trang sức được nêu cụ thể tại từng chương còn kinh doanh vàng tài khoản được nêu tại 2 điều.
Thứ nhất, tại điểm 9, điều 4, Chương I quy định chung nêu rõ: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6,7,8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấp phép”.
Thứ hai là tại điểm đ, khoản 4, điều 16 nhấn mạnh một lần nữa về trách nhiệm của NHNN sẽ là cơ quan cấp phép cho hoạt động kinh doanh vàng khác khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Như vậy rõ ràng kinh doanh vàng qua tài khoản được xếp vào hoạt động kinh doanh hạn chế và chỉ được thực hiện khi được cơ quan quản lý cấp phép.
Một lãnh đạo NHNN chia sẻ: Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản hiện nay có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cũng như thất thoát ngoại tệ do vậy thời điểm hiện tại NHNN muốn hạn chế hoạt động loại hình kinh doanh này.
Không được kinh doanh vàng miếng qua đại lý ủy nhiệm
Không khác so với dự thảo đã đưa ra từ trước, quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân và tổ chức được công nhận và bảo vệ theo quy định pháp luật, và giao dịch vàng miếng được quy về một mối là các TCTD và doanh nghiệp được NHNN cấp phép .
Nếu muốn hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế kinh doanh vàng 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tình, thành phố trực thuộc trung ương.
Bằng những điều kiện này, NHNN giảm số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện mua bán vàng miếng xuống chỉ còn vài doanh nghiệp.
Với quan điểm quản lý kinh doanh vàng miếng với tính chất tiền tệ, hạn chế biến động bất thường gây bất ổn cho thị trường, Nghị định quy định rõ là các doanh nghiệp hay TCTD không được hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Có lẽ điều này là rút kinh nghiệm từ quản lý thị trường ngoại hối thời gian trước, khi mà các đại lý ủy nhiệm của các TCTD lợi dụng vị thế là điểm thu đổi ngoại tệ cho ngân hàng đã tạo ra cơn sốt “nóng, lạnh” về tỷ giá.
NHNN có trách nhiệm mua bán vàng miếng trong nước và tổ chức huy động theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ được xếp vào hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên NHNN vẫn sẽ quản lý hoạt động kinh doanh này thông qua thực hiện kiểm tra, thanh tra.
Thanh Hải