Lãi suất giảm, có nên tiếp tục gửi tiền?
Lãi suất ngân hàng ngày càng giảm, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang tỏ ra băn khoăn với khoản tiền gửi của mình.
Chị Lê Thị Phương (ngụ quận 2, TP HCM) bước vào phòng giao dịch một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần trên đường Võ Văn Tần, quận 3 để gửi tiền tiết kiệm. Nhân viên NH này cho biết lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng chỉ còn mức 5,7%/năm đến 5,98%/năm. Nếu gửi từ 50 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,1%/năm. Nhẩm tính một lúc, chỉ đành cầm 40 triệu đồng tiền dành dụm được từ đầu năm ra về…
Gửi tiết kiệm vẫn hơn
“Nếu gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 6,5%/năm tiền lãi sẽ cao hơn nhưng nhỡ nhà có việc đột xuất phải rút ra thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Còn gửi kỳ hạn 1 tháng, tính ra mỗi tháng tiền lãi chỉ được 190.000 đồng, chẳng đáng là bao!” - chị Phương nói.
Từ đầu năm đến nay, trần lãi suất huy động được NH Nhà nước điều chỉnh giảm từ mức 7%/năm xuống còn 6%/năm kỳ hạn dưới 6 tháng. Bản thân các NH thương mại cũng liên tục hạ lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí trong bối cảnh khi tín dụng bí đầu ra và nợ xấu còn cao. Nhiều người gửi tiền NH cho biết lãi suất NH đã giảm nhiều so với thời điểm hơn 2 năm trước và không còn là kênh sinh lời hấp dẫn.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét: “Vài năm trước, Với mức lãi suất tiết kiệm lên đến 12-14%/năm, người dân và doanh nghiệp chỉ cần bỏ tiền vào NH hưởng lãi thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh. Nay, lãi suất huy động chỉ còn 6%, nếu kinh doanh đạt lợi nhuận 20% sẽ kích thích doanh nghiệp, cá nhân rút tiền khỏi NH để đầu tư”.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng khi lãi suất tiền gửi giảm dần theo lạm phát, cơ hội đầu tư kiếm lời từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, cổ phiếu… cũng không cao như trước. Việc gửi tiền của người dân chỉ mang tính bảo toàn vốn, còn muốn sinh lợi thì cần chấp nhận mạo hiểm, bỏ vốn hùn hạp làm ăn, đầu tư cổ phiếu lợi tức cao hơn, nhưng cũng đi kèm với rủi ro.
“Thời điểm năm 2011, lãi suất NH rất cao đến 14%/năm, lạm phát khi đó cũng tăng vọt lên 17-18%. Nay, lãi suất tiết kiệm giảm xuống chỉ còn 6-7%/năm nhưng lạm phát cũng đang được kiểm soát ổn định quanh mức 5% là dấu hiệu tích cực. Ngay đầu tư vào bất động sản cho thuê lợi nhuận hiện cũng chỉ khoảng 3-4%. So sánh để thấy, gửi NH với mức lãi suất như hiện nay vẫn là kênh bảo toàn vốn tốt” – TS Đinh Thế Hiển nói.
Nên chọn kỳ hạn dài
Ghi nhận của chúng tôi, hiện mức lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng chỉ khoảng từ 6-7%/năm và lãi suất trên 12 tháng từ 7-8%/năm. Một số NH thương mại có mức lãi suất cao nổi trội ở kỳ hạn dài như NH TMCP Xây dựng (VNCB) từ 13-36 tháng là 9,1%/năm, hay NH TMCP Bảo Việt kỳ hạn 36 tháng là 8,5%/năm…
Nhân viên tư vấn một số NH cho biết xu hướng gần đây khách hàng thường chọn kỳ hạn dài từ 6-9 tháng để hưởng lãi suất cao hơn, nhất là những người có tiền nhàn rỗi không sử dụng đến. Chẳng hạn, người cao tuổi có tiền tiết kiệm khi về hưu thường chọn gửi kỳ hạn 1 năm, rút lãi hàng tháng.
Chị Minh Anh, làm việc tại quận 3, TP HCM, cho biết khoản tiền tiết kiệm 100 triệu đồng gia đình dành dụm trong năm ngoái, chị quyết định gửi NH kỳ hạn 15 tháng với mức lãi suất 8,9%/năm tại một NH thương mại. “Theo chương trình ưu đãi của NH này, nếu mỗi tháng tôi không lãnh lãi, không rút ra sẽ được cộng thêm 0,5%/năm. Tính ra đến ngày đáo hạn, lãi suất thực hưởng cũng hơn 9%/năm” – chị Minh Anh nói.
Theo quy định của NH Nhà nước, các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 6%/năm, từ 6 tháng trở lên các NH thương mại được quyền đưa ra mức lãi suất riêng theo cung cầu trên thị trường vốn.
Việc NH Nhà nước thả nổi trần huy động từ trên 12 tháng xuống còn kỳ hạn dưới 6 tháng, không chỉ giúp khách hàng có sự lựa chọn và quan trọng là hình thành trở lại đường cong lãi suất. Theo đó, khách hàng càng gửi kỳ hạn dài càng được lợi, còn NH sẽ cân đối lại nguồn vốn huy động dài hạn để có thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp vay trung dài hạn.
>>> Lãi suất huy động tiếp tục giảm
Theo Thái Phương