Lãi suất giảm, doanh nghiệp tiếp cận vốn ra sao?
Nhiều doanh nghiệp đến các ngân hàng thương mại xin vay vốn đều bị từ chối vì khả năng trả nợ của doanh nghiệp chưa tốt, điều kiện cho vay không thay đổi, tài sản đã thế chấp hết.
Mặc dù thông tin về hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất vay, nhưng thực tế với các doanh nghiệp, việc vay vốn lãi suất thấp cũng không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đến các ngân hàng thương mại xin vay vốn đều bị từ chối vì khả năng trả nợ của doanh nghiệp chưa tốt, điều kiện cho vay không thay đổi, tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ, nợ cũ chưa trả được. Chưa kể lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn cao và khó tiếp cận.
Còn về phía các ngân hàng, đã có các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho vay mới đã được đưa ra, song tín dụng vẫn khó tăng, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp không có. Do vậy, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, trước mắt, nên có giải pháp kích cầu, tăng sức mua. Có như vậy, hàng hóa sản xuất ra mới tiêu thụ được, thì tồn kho mới giảm và doanh nghiệp mới có thể vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh tiếp.
Mặt khác, phải giải quyết được nợ xấu và nợ thuế. Đây là hai vấn đề khiến doanh nghiệp không vay được vốn để sản xuất, kinh doanh mới và ngân hàng cũng rất khó để cho vay. Tuy nhiên, với bản thân doanh nghiệp, cũng cần tự đánh giá, tái cơ cấu những mặt mạnh, mặt yếu, thất bại, thành công căn cứ vào chính sách, cũng như diễn biến của thị trường để có thể khai thác được lợi thế vốn có.
Về thứ tự ưu tiên các giải pháp cơ cấu để đảm bảo nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, theo Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, cùng một lúc tiến hành hai yêu cầu rất lớn. Trước mắt, là phải đối phó với tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay. Tiếp theo là việc doanh nghiệp tăng cường việc tái cơ cấu cụ thể, có hiệu quả rõ ràng, nâng cao năng suất lao động. Có như vậy, mới tránh được tình trạng là tăng đầu tư nhiều nhưng doanh nghiệp hoạt động lại lãng phí, không hiệu quả. Như vậy, cùng một lúc phải tiến hành hai giải pháp rất quan trọng này mới phát triển được.
Cũng theo khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, bên cạnh việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt thì cần phải kích thích cầu của nền kinh tế, mà cụ thể là nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thực chất cách làm này là khơi thông đầu ra cho khu vực sản xuất, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.
Rõ ràng, với mặt bằng lãi suất hiện nay không còn là quan ngại lớn đối với doanh nghiệp trong vay vốn, mà quan trọng hơn chính là sức mua của thị trường. Nắm bắt cơ hội tiếp cận vốn để phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với xu hướng ổn định của lạm phát và sự bám sát trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cuối năm nay và đầu năm sau được dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Đây cũng chính là những tín hiệu để các doanh nghiệp xem xét và đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh của mình trong năm tới và cũng được coi là động lực để kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ có chuyển biến mới vào dịp cuối năm này và đầu năm 2014.
Theo Hà Nho