Lãi suất huy động 7%/năm là đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền
Các TCTD có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng.
Liên quan đến các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm về lãi suất và tăng trưởng tín dụng năm 2014, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ về những vấn đề nêu trên.
PV: Hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã ở mức thấp nhưng các doanh nghiệp vẫn dè dặt trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này, trong đó có ý kiến cho rằng mức lãi suất hiện chưa đủ thấp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này và có nên điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nữa không?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm, trong đó, một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất có thể giảm thêm. Việc các TCTD có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. Chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm.
Dư luận cho rằng, trong khi việc cho vay còn gặp nhiều khó khăn, nên điều chỉnh giảm lãi suất huy động để tránh rủi ro cho các ngân hàng. Vậy theo bà, có hay không khả năng giảm thêm lãi suất huy động xuống dưới mức lạm phát mục tiêu 7%.
Với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Đồng thời, đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các TCTD có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp. Nếu như trước đây TCTD thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều TCTD ấn định lãi suất thấp hơn mức trần, đối với các TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần.
Như vậy, có thể nói, mặc dù có trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng trong phạm vi này, các TCTD có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2014, Thống đốc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ toàn ngành Ngân hàng trong năm 2014 là khoảng 12-14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Xin bà cho biết những giải pháp của NHNN để đạt được mục tiêu trên?
Năm 2014, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và đảm bảo hoạt động của hệ thống TCTD theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, tác động chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, phối hợp với các bộ, ngành xử lý các khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và hợp đồng giao dịch bảo đảm; các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, chủ động triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với các giải pháp về tín dụng, NHNN cũng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, vốn phục vụ tín dụng nông nghiệp nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê... theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại TCTD để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, đảm bảo sự lành mạnh, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.