Lãi suất khó giảm sâu nhưng cần ổn định
Xung quanh câu chuyện “bung ra làm ăn nhưng ngại lãi suất”, các doanh nghiệp (DN) thừa nhận khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Tuy nhiên,nếu có cam kết ổn định thời gian dài thì DN sẽ mạnh dạn vay vốn hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng ngân hàng (NH) cần có giải pháp kéo lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống để hỗ trợ các DN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ...
* Bà NGUYỄN THỊ HỒNG (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi Thời gian qua, NH Nhà nước cùng với hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt những giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm mạnh mặt bằng lãi suất, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ DN tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý... Đây là những điều kiện thuận lợi để DN có thể vượt qua khó khăn và phát triển, mở rộng hoạt động. Thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với DN. Tuy nhiên, bản thân các DN cần chấn chỉnh hoạt động, chú trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, quản trị tốt dòng tiền để nâng cao uy tín, tăng khả năng tài chính và khả năng tiếp cận vốn tín dụng NH... L.THANH |
* Ông NGUYỄN HOÀNG MINH (phó giám đốc NH Nhà nướcchi nhánh TP.HCM):
Vay trung và dài hạn tăng nhanh
Dư nợ tín dụng trung và dài hạn trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm đến nay.
Nếu như đầu năm tỉ lệ tín dụng trung và dài hạn chỉ chiếm 44-45% trên tổng dư nợ thì tính đến cuối tháng 9-2014, tỉ lệ này xấp xỉ 50%.
Tín dụng trung và dài hạn của toàn thành phố tăng trên 4% so với con số tuyệt đối tương đương 495.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung cải thiện kỹ thuật, mở rộng sản xuất cho thấy DN đã bắt đầu làm ăn được.
DN tiếp cận khoản vay này chủ yếu thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, DN trong khu chế xuất, DN có mặt hàng xuất khẩu...
Ngoài ra, các hoạt động kết nối giữa NH và DN trên địa bàn thời gian qua cũng cho thấy tỉ lệ vay vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể. Nếu năm 2013 tỉ lệ này chiếm 20% trên tổng số vốn các NH đã ký kết với nhau, năm nay lên tới 32%.
* Ông TRƯƠNG CHÍ THIỆN (giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt):
Nên có biên độ biến động cố định
Dù lãi suất cho vay tại các NH đã giảm mạnh nhưng với sức mua thị trường hiện nay, việc cân nhắc có nên đầu tư trong thời gian tới hay không cũng suy nghĩ rất nhức đầu...
Với các khoản vay trung hoặc dài hạn, hiện các NH đều dựa trên mức lãi suất huy động hiện hành, rồi cộng thêm một tỉ lệ phần trăm nhất định để áp dụng suốt thời gian vay, nhưng tỉ lệ phần trăm bao nhiêu này lại dựa trên sức khỏe của DN hoạt động tốt hay xấu.
Để các DN có ý định đầu tư dài hạn không phải “lăn tăn” về điều này, theo tôi, tốt nhất NH cứ cam kết sẽ có một biên độ nhất định đối với các khoản cho vay.
Chẳng hạn, mức điều chỉnh lãi suất (nếu có) chỉ được tăng tối đa là 2% so với lãi suất đã thỏa thuận ban đầu. Nếu DN cảm thấy mình đủ sức tạo ra lợi nhuận để trả lãi vay, như thế suốt quá trình đầu tư họ sẽ không có ý kiến gì.
* Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG (giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi):
Không chỉ cần lãi suất thấp
Tôi thấy lãi suất cho vay 6%/năm là vừa. Nếu NH có điều chỉnh lãi suất thì cần có biên độ, nhưng tốt nhất phải cố định ở mức +- 2% là phù hợp. Tuy nhiên, lãi suất vay thấp chỉ là một trong những yếu tố để DN cân nhắc có muốn vay cho việc đầu tư hay không, bởi nếu thị trường vẫn ọp ẹp như hiện nay thì DN không có động lực để vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
* TS TRẦN DU LỊCH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Lãi suất cho vay trung và dài hạncần giảm thêm
Nếu vay trung hạn ở mức 8-12%/năm thì rất khó khăn cho DN đầu tư sản xuất, chưa kể những DN vay lãi suất trên 12%/năm thì không vay cũng chết, mà vay cũng khó thở nổi.
Muốn phục vụ nền kinh tế tái cấu trúc và phục hồi, theo tôi, phải giảm được lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Đang có thực tế là số DN làm ăn tốt, NH thiện chí cho vay thì không xài hết khoản tín dụng được cấp, trong khi số DN vừa và nhỏ đang khát vốn thì không phải là đối tượng NH hướng tới.
Giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn sẽ đem cái lợi lâu dài vì tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu sản xuất, thích nghi tình hìnhthị trường.
* TS PHẠM NGỌC LONG (viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa):
Các ngân hàng phải nâng năng lực để cho vay
DN nhỏ và vừa thiếu vốn, muốn vay mà không được, còn hay bị rơi vào nhóm nợ xấu, trong số này có những DN có khả năng hồi phục rất cần được NH quan tâm xem xét hỗ trợ.
Việc này thời gian qua các NH làm chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng. Đặc biệt, có số DN mới khởi nghiệp, DN khoa học công nghệ, DN siêu nhỏ... rất cần vốn, muốn vay mà khó lọt tầm ngắm NH vì thiếu tài sản thế chấp, không đủ số liệu thẩm định...
Thực chất ở đây có vấn đề năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng NH còn hạn chế, ngoài ra còn có “khẩu vị” không muốn rủi ro của các NH. Vì vậy cần có quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo hiểm tín dụng DN nhỏ và vừa để tạo cú hích.