MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiền gửi USD về 0% có giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ?

28-09-2015 - 14:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp không có nhiều dư tiền gửi ngoại tệ, người dân gửi USD không phải mục đích chủ yếu là nhận lãi sẽ khiến việc giảm lãi suất không tác động nhiều tới việc giảm găm giữ ngoại tệ.

Chiều tối muộn hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo về việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi USD với tổ chức từ 0,25%/năm về 0% và với các nhân từ 0,75%/năm về 0,25%/năm.

Như vậy, một lần nữa, NHNN lại có những điều chỉnh chính sách bất ngờ - bởi lẽ chính sách được công bố và áp dụng gần như ngay lập tức, tương tự như động thái tăng tỷ giá hay nới biên độ giao dịch giữa USD và VND trong tháng 8/2015. Sự điều chỉnh này sẽ có hiệu lực ngay từ hôm nay, 28/9/2015.

Lãi suất 0% được hiểu là đối với các hợp đồng phát sinh kể từ hôm nay, doanh nghiệp không thu được lãi với các khoản tiền gửi bằng USD tại ngân hàng. Trên thế giới, Nhật Bản từng áp dụng lãi suất tiền gửi 0% để khuyến khích người dân tiêu dùng trong nước, chống lại tình trạng giảm phát.

Hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng áp dụng lãi suất tiền gửi dự trữ với các ngân hàng thương mại ở mức âm 0,1% để khuyến khích các ngân hàng cho vay.

Với động thái hạ lãi suất có hiệu lực từ hôm qua, NHNN cho biết mục tiêu để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình Fulbright - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, với việc duy trì lãi suất USD ở mức thấp như trong thời gian vừa qua đã khiến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế có giảm xuống. Việc giảm tình trạng găm giữ USD trong nền kinh tế giúp NHNN thực hiện các chính sách điều hành hiệu quả hơn vì có thể tác động lên khối tiền của nền kinh tế ở mức cao hơn thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở. Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, tình trạng đô la hóa nền kinh tế hiện tại vẫn ở mức cao.

Theo lý thuyết, khi một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời giảm đi, nhà đầu tư có xu hướng sẽ chuyển sang các tài sản khác có mức sinh lời lớn hơn. Trong trường hợp này, với việc lãi suất tiền gửi USD giảm đi, trong khi lãi suất tiền gửi VND có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây, thì người dân hay doanh nghiệp sẽ chuyển từ gửi USD sang gửi tiền đồng, hoặc đầu tư vào các sinh lời khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng.

Nghĩa là, NHNN sẽ đạt được mục tiêu giảm nắm giữ USD, tạo bớt áp lực tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, trên thực tế, liệu các mục tiêu của ngân hàng Nhà nước có thể đạt được?

Về mục tiêu giảm găm giữ ngoại tệ, trao đổi với Vinanet, nhiều chuyên viên tín dụng mảng khách hàng doanh nghiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp không có các khoản tiền gửi USD tại ngân hàng, hoặc nếu có thì không nhằm mục đích hưởng lãi suất.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu nếu có nguồn thu ngoại tệ sau khi thu về thì dùng để trả nguyên vật liệu nhập khẩu cũng như các khoản nợ bằng ngoại tệ đã vay để đầu tư. Khoản dư thừa hầu như rất ít. Một số doanh nghiệp xuất khẩu khác mà nguồn nguyên liệu từ từ trong nước thì cũng thường đổi ngoại tệ lấy tiền đồng để thanh toán chi phí đầu vào, trả lương nhân công.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có khoản tiền gửi ngoại tệ tại các các ngân hàng, nhưng về cơ bản thì khoản tiền gửi này dùng để giải ngân theo tiến độ của các dự án.

Về phía doanh nghiệp, trao đổi với Vinanet, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ - một doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may cho biết, chênh lệch giữa khoản thu ngoại tệ và chi cho nhập nguyên liệu, trả nợ vay cho ngân hàng không lớn.

Đối với cá nhân, anh Hoàng Việt, người có khoản tiền gửi hàng chục ngàn USD cho biết không quá quan tâm tới lãi suất khi gửi USD tại ngân hàng. Với việc lãi suất tiền gửi giảm, hiện hợp đồng của anh vẫn được ký vẫn giữ lãi suất như trước đây cho tới khi hết hạn. Khi hết hạn, anh cũng chưa có ý định chuyển sang các hình thức đầu tư khác, bởi lẽ anh không có nhiều kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Với chị Linh Nga, mục đích gửi USD là để ngân hàng đảm bảo an toàn và tránh việc mất giá. "Lãi suất gửi tiền đồng xấp xỉ 6%/năm, nhưng nếu ra Tết mà tiền đồng mất giá vài phần trăm so với USD, thì lãi suất cũng không quá hấp dẫn so với khoản tiền gửi USD".

Tuy nhiên, đánh giá với cả nền kinh tế, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng tác động giảm găm giữ ngoại tệ là có nhưng sẽ không nhiều. Với các khoản tiền gửi chưa đáo hạn, nhà đầu tư vẫn nắm giữ vì vẫn được hưởng mức lãi suất như trước đây (tối đa 0,25%/năm với tổ chức và 0,75%/năm với cá nhân). Với những khoản tiền gửi sắp đáo hạn, ông Tuấn cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ cân nhắc, khi áp lực giảm tỷ giá trong 3 tháng cuối năm là thấp, sẽ khiến gửi tiền đồng hấp dẫn hơn gửi USD.

Với mục tiêu ổn định tỷ giá, theo ông Tuấn, giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm áp lực lên tỷ giá giao ngay nhưng sẽ dồn áp lực lên tỷ giá kỳ hạn. Bởi lẽ, việc giảm lãi suất sẽ khiến có những khoản đầu tư được chuyển từ USD sang VND, cung tăng khiến giảm tỷ giá.

Tuy nhiên, TS Tuấn phân tích, lãi suất tiền gửi USD giảm thì nhiều khả năng, lãi suất cho vay USD cũng giảm theo, càng khuyến khích vay USD để đầu tư. "Theo quy định những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ mới được vay USD để đầu tư, tuy nhiên thực tế, họ vẫn có khả năng lách quy định này. Chính những doanh nghiệp này do không có nguồn thu ngoại tệ trả nợ nên buộc phải mua ngoại tệ trả nợ, tạo áp lực tỷ giá trong tương lai", ông Tuấn phân tích.ng quá hấp dẫn so với khoản tiền gửi USD".

Về lâu dài, cả phía chuyên gia khuyến nghị cũng như mong muốn của doanh nghiệp đều hi vọng những chính sách từ phía NHNN tạo sự chủ động hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Khi mà thâm hụt vãng lai vẫn lớn, áp lực trả nợ ngoại tệ nhiều và lạm phát tích lũy 5 năm qua vẫn rất lớn như thế thì thị trường vẫn kỳ vọng tiền đồng vẫn sẽ giảm giá hơn nữa (giảm giá chứ không phải mất giá - nghĩa là trở về đúng giá trị thực). Khi tiền đồng vẫn neo ở cao thì sẽ làm giảm cạnh tranh của nền kinh tế trong nước", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Ông Đặng Triệu Hòa cũng chia sẻ, Sợi Thế Kỷ nhiều khi không dám mạnh dạn thực hiện đầu tư mà chỉ "nằm chờ vì không biết ngày mai sẽ như thế nào" bởi những thay đổi không tiên liệu được từ chính sách.

"Nếu điều chỉnh tốt hơn thì không sao, nếu điều chỉnh theo hướng bất lợi sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh và báo cáo cổ đông. Vì vậy doanh nghiệp cũng muốn biết sớm hơn để đỡ hơn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh", ông Hòa nói.

Sau khi điều chỉnh tỷ giá thêm 2% và nới biên độ giao dịch từ 1% lên 3%, tiền đồng đã giảm giá hơn 5% so với USD, trần tỷ giá ở mức 22.547 đồng/USD. Sau điều chỉnh, nhiều thời điểm trong tháng 8 và tháng 9, tỷ giá điều chỉnh lên mức giá kịch trần này. NHNN đã nhiều lần bán ngoại tệ trong thời gian qua để hỗ trợ tỷ giá.

Theo Thái Hà

Vinanet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên