MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất USD thấp kỷ lục, lượng ngoại tệ bán tăng vọt

29-09-2015 - 16:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: 9 tháng đầu năm tiền gửi tiết kiệm bằng USD của dân cư tăng hơn 17% so với đầu năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiền gửi thanh toán USD của doanh nghiệp tăng 8% so với tháng 7 và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Thưa ông, tình hình tiền gửi tiết kiệm bằng USD như thế nào sau khi lãi suất đồng USD về mức thấp kỷ lục là 0%/năm?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM: Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD của Ngân hàng Nhà nước về 0%/năm đối với doanh nghiệp và cá nhân còn 0,25%/năm từ ngày 28/9 cho thấy, đây là một bước trong lộ trình của Đề án chống USD hóa nền kinh tế của Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt.

Trước mắt, việc giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian qua vì kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ còn được điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Nguyên nhân có tâm lý trên vì trong hai tháng 7-8 vừa qua tiền gửi bằng USD của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cá nhân qua hình thức huy động tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng lên đột biến. Bình quân các tháng của năm 2015 từ đầu năm cho đến cuối tháng 6 chỉ tăng 0,4 – 0,7%/tháng. Nhưng riêng tháng 8 tiền gửi tiết kiệm USD lại tăng tới 5%, tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp tăng tới 9% so với tháng 7.

9 tháng đầu năm tiền gửi tiết kiệm dân cư bằng USD tăng hơn 17% so với đầu năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiền gửi thanh toán USD của doanh nghiệp tăng 8%, so với cùng kỳ cũng tăng gấp 3 lần. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng tỷ giá USD/VND tiếp tục điều chỉnh tăng vào cuối năm nay, nên tiếp tục găm giữ ngoại tệ gây bất lợi cho việc chống đô-la hóa của nền kinh tế.

Như vậy, động thái giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% có tác động tích cực tới việc găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp, góp phần chống đô-la hóa cho nền kinh tế.

Lãi suất VND và USD đang sự chênh lệch hấp dẫn sẽ giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm VND hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời như: vàng, bất động sản, chứng khoán.

Điều này tác động như thế nào đối với lượng kiều hối về TP.HCM?

Lượng kiều hối về TP.HCM chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước. Có năm chiếm tới 40%-45%, năm 2015 có thể chiếm tới 50% lượng kiều hối chuyển về trong cả nước.

Tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 3,250 tỷ USD, cả năm 2015 khoảng 5,5 tỷ USD. Với sự điều chỉnh tỷ giá USD/VND đảm bảo sự hấp dẫn lượng kiều hối gửi về Việt Nam so với trước. Với cơ chế về kiều hối hiện nay khá thông thoáng khi người nhận có thể nhận bằng tiền mặt, chuyển khoản, có thể gửi tiết kiệm… mà không phải chịu thuế hoặc phí cũng rất thấp từ 0,2% - 0,5%.

Có sự chuyển dịch từ tiền USD sang tiền VND rõ ràng chưa thưa ông?

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã giao cho một bộ phận theo dõi sát tình hình này và yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo nhanh hằng ngày về diễn biến này để Ngân hàng Nhà nước kịp thời xử lý.

Đến nay, theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã có sự dịch chuyển từ tiền USD sang tiền VND.

Ngày 28/9, các doanh nghiệp đã bán USD cho ngân hàng khá nhiều, con số thống kê chưa chính thức thì lượng bán ngoại tệ này tăng lên gấp 2-3 lần so với những ngày bình thường trước.

Tiền gửi tiết kiệm bằng USD đã có những người dân bán USD để lấy VND gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn.

Doanh số mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tăng gấp 4-5 lần bình thường và ngân hàng tăng nguồn cung ngoại tệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Vậy lãi suất cho vay USD có giảm theo không thưa ông?

Giảm lãi suất tiền gửi USD, tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ tạo điều kiện cho việc huy động VND tăng lên. Nhưng cuối năm là dịp doanh nghiệp vay vốn tăng mạnh nên lãi suất cho vay sẽ không có cơ hội giảm nhiều.

Lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay chưa giảm được, cố gắng giữ ổn định, do vậy dưới tác động của lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm thì lãi suất cho vay trung, dài hạn VND và USD sẽ giảm nhẹ.

Thanh khoản về ngoại tệ của các ngân hàng đang khá tốt. Hiện tỷ lệ cho vay USD trên huy động chỉ đạt 60% (quy định là 80%), do đó thanh khoản USD không đáng lo.

Đáng lo là cho vay bằng USD từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 3%. Chỉ riêng trong tháng 8 đã giảm mạnh hơn 2%, nguyên nhân doanh nghiệp sợ rủi ro về tỷ giá nên đã vay ngoại tệ trả nợ trước hạn. Kỳ vọng thời gian tới dư nợ bằng ngoại tệ sẽ phục hồi và đi đúng đối tượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ thực sự vay USD với lãi suất thấp hơn, giúp giảm chi phí tài chính và giảm giá thành sản phẩm trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Linh Lan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên