MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư: "Mức án đề nghị tử hình Vũ Việt Hùng là quá nghiêm khắc"

13-03-2014 - 09:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Đứng ở vị trí nơi giao lưu của nhiều cơ hội cũng như rủi ro kinh doanh lớn, trong bối cảnh có nhiều vấn đề kinh tế, pháp lý không rõ ràng, dễ lợi dụng nên ngân hàng dễ gặp những phi vụ lừa đảo.

Đại án thứ 6 trong số 10 đại án được Ban Nội chính trung ương rất quan tâm đang được đưa ra xét, đó là đại án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Nông. Hôm qua 12/3, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Đăk Nông đã đề nghị mức án tử hình cho Vũ Việt Hùng, các án chung thân cho Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Kim Loan.

Xoay quanh những diễn biến của vụ án tại VDB, cũng như các vụ án liên quan tài chính ngân hàng gần đây, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty luật Basico, luật sư bảo vệ cho Ngân hàng Phương Đông (OCB) - ngân hàng đã bị lừa đảo chiếm đoạt 530 tỷ đồng trong vụ án.

Thưa ông, trong phần Luận tội Vụ đại án tham nhũng tại VDB Đăk Nông ngày 12/03/2014, Viện Kiểm sát đề nghị mức án với án tử hình cho Vũ Việt Hùng, các án chung thân cho Cao Bạch Mai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Kim Loan... Là một Luật sư trực tiếp tham gia tranh tụng trong Đại án này, ông đánh giá như thế nào về các mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị?

Luật sư Trần Minh Hải: Vừa qua, tôi cũng tham gia tranh tụng tại đại án Huyền Như. So với Đại án Huyền Như cũng là một đại án tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, thì đại án tham nhũng tại VDB Đăk Nông quy mô không lớn bằng nhưng các mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng cho các bị cáo quả thật là rất nghiêm khắc. Điều đó ghi nhận sự quyết tâm cao độ trong cuộc chiến đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Xét về khía cạnh pháp luật, thì việc Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng 1 hình phạt tử hình, 3 hình phạt tù chung thân cho các bị cáo liên quan là căn cứ vào giá trị vật chất của vật chứng, mức độ thiệt hại của ngân hàng và đúng hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về lượng khung và mức hình phạt.

Tuy nhiên, vốn là một người theo quan điểm không ủng hộ án tử hình đối với các tội phạm liên quan đến kinh tế, ngân hàng, tôi cho rằng mức án đề nghị như vậy quá nghiêm khắc.

Ngoài ra, nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng bị đề nghị áp dụng hình phạt tù lên đến trên 10 năm, thì cũng quả thật rất nặng nề. Bởi mức án đề nghị là hoàn toàn căn cứ vào hậu quả thiệt hại để lượng hình, chứ xét toàn bộ tình tiết khách quan cũng như nhìn từ phía các ngân hàng, tôi cho rằng đa số các ngân hàng như OCB, Nam Á điều họ cần không phải là những hình phạt nặng nề với những cán bộ cũ của mình. Nhất là khi các cán bộ này hầu hết đều bị tác động bởi các hành vi lừa đảo, thiệt hại chính là do các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt gây nên chứ không phải là họ.

Theo ông, vì sao mà các đối tượng trên có thể thực hiện phi vụ lừa đảo hàng trăm tỷ một cách dễ dàng như vậy?

Ngân hàng luôn là mục tiêu tiền bạc mà các loại tội phạm kinh tế rình rập xâm hại. Chỉ cần buông lỏng một trong các khâu quản trị rủi ro tín dụng là tất yếu những hậu quả mất vốn sẽ phát sinh. Trong Đại án này, xét về phía VDB thì việc bị lừa đảo hàng trăm tỷ xuất phát từ khâu các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi cho vay xuất khẩu của VDB, cùng những lỗ hổng trong quản trị tín dụng để lừa gạt và chiếm dụng vốn của VDB. Số tiền lớn do tích tụ suốt nhiều năm. Còn đối với Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Đông, các đối tượng đã lợi dụng uy tín, thương hiệu của VDB lập các hợp đồng tiền gửi, cam kết xác nhận để chiếm đoạt số tiền lớn bù đắp vào những thất thoát tại VDB.

Do đứng ở vị trí nơi giao lưu của nhiều cơ hội cũng như rủi ro kinh doanh lớn, trong bối cảnh có nhiều vấn đề kinh tế, pháp lý không rõ ràng, dễ lợi dụng nên ngân hàng dễ gặp phải những phi vụ lừa đảo.

Qua đại án tại ngân hàng như thế này, ông có nhận xét gì về những lỗ hổng quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam?

Thực sự là có nhiều lỗ hổng. Trước hết là lỗ hổng về nhận thức pháp luật, nhận thức rủi ro nghiệp vụ của nhiều cán bộ ngân hàng. Có những cán bộ quá cẩu thả các vấn đề pháp lý, rủi ro trong thiết lập giao dịch kinh doanh. Có những cán bộ lại quá tự tin cho rằng mình đã vận dụng sáng tạo lách luật vào các giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mà chính cán bộ ngân hàng còn chưa biết sợ, chưa nhận thức được hậu quả lớn nhường nào như những bài học đau xót của các bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng hôm nay, thì có nghĩa là họ không biết bảo vệ chính bản thân mình, làm sao có thể bảo vệ cho quyền lợi ngân hàng.

Thứ hai là lỗ hổng trong quản lý rủi ro tín dụng, như trong vụ án này chính yếu xảy ra tại VDB cho thấy, chi nhánh VDB Đăk Lăk, Đăk Nông được giao thẩm quyền cho vay quá lớn, hạn mức giải ngân rất cao, nợ xấu nhiều mà sự giám sát kiểm tra từ VDB lại có giới hạn và không xử lý triệt để được sai phạm. Lỗ hổng quản lý rủi ro tín dụng có thể đến từ chính sách, sản phẩm, công cụ nghiệp vụ (như hợp đồng, mẫu biểu), sự triển khai, giám sát... do không chú trọng thực sự đến việc luôn nâng cấp những vấn đề rủi ro pháp lý.

Một điều nữa có thể nhận thức rõ, đó chính là sự buông lỏng không định hướng công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, mà trọng tâm là các kỹ năng pháp lý, kỹ năng nhận biết rủi ro trong các vấn đề về giao dịch, tài sản… Điều này quả thật lại là một lỗ hổng rất lớn bởi suy cho cùng trong ngành kinh doanh dịch vụ như ngân hàng, con người là yếu tố quyết định.

Theo ông thì mức án đề nghị này có thúc đẩy ngân hàng tự nhìn lại công tác quản trị rủi ro không?

Về phương diện nào đó, các mức án phạt được Viện Kiểm sát đề nghị ngoài tác dụng phòng ngừa riêng đối với từng bị cáo còn hướng tới việc phòng ngừa chung, ngăn chặn các hành vi phạm tội tiềm ẩn nên điều này sẽ có tác động lớn đến ngân hàng.

Từ các đại án, cán bộ ngành ngân hàng có sự ái ngại và thận trọng hơn trước các vấn đề có thể gây sai phạm, liên quan đến trách nhiệm.

Tuy nhiên, như tôi đã nhận định, trong bối cảnh đối mặt với quá nhiều vấn đề ngổn ngang hiện này, điều mà ngành ngân hàng cần không phải là các án phạt nặng nề mà là sự nhanh chóng lấp vá những lỗ hổng trong quản trị rủi ro tín dụng.
Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên