MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A: Con đường ngắn nhất để tái cơ cấu ngân hàng

20-09-2013 - 16:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Mô hình lý tưởng nhất là một tổ chức tín dụng có hội sở chính ở phía Bắc sẽ sáp nhập, hợp nhất với một tổ chức tín dụng có hội sở chính ở phía Nam hoặc ngược lại.

M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính ngân hàng của Ernst & Young Việt Nam.

Những lĩnh vực mua bán- sáp nhập (M&A) nào đã trở thành mục tiêu, đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, thưa bà?

Các thương vụ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thường nằm trong lĩnh vực dầu khí, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng… Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng đã có một số thương vụ nổi bật với giá trị M&A rất lớn. Trong số các quốc gia có doanh nghiệp (DN) thực hiện M&A vào Việt Nam tính đến thời điểm này thì Nhật Bản đang đứng đầu cả về số lượng thương vụ và giá trị. Các lĩnh vực mà DN Nhật Bản đang đầu tư đều được coi là có triển vọng, là nhóm ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, cho thuê thiết bị thi công, viễn thông và CNTT.

M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo bà, các DN và nhà đầu tư khi thực hiện M&A trong lĩnh vực này thường gặp phải những rào cản nào?

Với chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cho phép các ngân hàng thương mại chủ động tự đi tìm đối tác của mình, có thể là trong nước, có thể là ngoài nước, nhưng việc tìm đối tác ngoài nước khó hơn do còn phải phụ thuộc vào quy định room đầu tư. M&A trong lĩnh vực ngân hàng phụ thuộc vào 2 yếu tố: sự ổn định của quản lý điều hành vĩ mô và quyết tâm của các nhà điều hành trong ngân hàng.

Thực tế, số lượng các cuộc M&A hiện nay không phản ánh chính xác nhu cầu của thị trường do một số tổ chức tín dụng vẫn còn mang tâm lý chờ xem. Nhưng kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính tại các nươc trong khu vực cho thấy, M&A là con đường ngắn nhất để các tổ chức tín dụng tự tái cơ cấu nhằm nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Đây cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho các tổ chức tín dụng có tiềm năng, giúp tăng trưởng, đi tắt, đón đầu một cách nhanh nhất.

Như thế nào là một mô hình lý tưởng cho các giao dịch M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thưa bà?

Mô hình lý tưởng nhất là một tổ chức tín dụng có hội sở chính ở phía Bắc sẽ sáp nhập, hợp nhất với một tổ chức tín dụng có hội sở chính ở phía Nam hoặc ngược lại. Điều này sẽ giúp tổ chức tín dụng sau M&A tận dụng tối đa được mạng lưới chi nhánh và khách hàng; đồng thời sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ hiện diện và độ phủ của tổ chức tín dụng sau M&A trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc khai thác ưu thế các tiện ích về sản phẩm và dịch vụ của tổ chức tín dụng này cho các khách hàng của tổ chức tín dụng còn lại sau M&A cũng tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách hàng và giúp tổ chức tín dụng sau sáp nhập hợp nhất nhanh chóng chiếm lĩnh và tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường.

Kết quả điều tra của KPMG cho biết, có tới hơn 80% doanh nghiệp mua lại không thấy hài lòng với thương vụ M&A đã thực hiện. Bà có khuyến nghị gì để giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có một cuộc “hôn nhân” hiệu quả sau thương vụ M&A?

M&A các ngành hàng khác cũng khá giống như ngành ngân hàng, có nhiều khó khăn nhất định như hành lang pháp lý, những khó khăn nội tại của DN, sự chuẩn bị chưa kỹ càng về mặt nhân lực, vật lực hay việc định giá DN chưa chính xác. Do vậy, cần phải có một công ty chuyên nghiệp về định giá để họ so sánh được những thương vụ tương tự trên thị trường, hoặc cần phải có công ty tư vấn nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh.

Xin cảm ơn bà!

Theo Nguyễn Hương

hangnt

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên