MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2016, có nên tiếp tục găm giữ ngoại tệ?

22-01-2016 - 17:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất USD đã giảm về 0% kể từ ngày 18/12/2015. Điều này có nghĩa là có rất nhiều người lỡ găm giữ ngoại tệ trước quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lỗ một khoản không nhỏ.

Mất kênh gửi USD găm giữ

Trên thị trường, tỷ giá niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) những ngày qua dù tăng nhưng vẫn ổn định, mua bán diễn ra bình thường.

Như vậy, việc dùng thủ tục hành chính đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm chặn các giao dịch găm giữ ngoại tệ tại ngân hàng đã tạo ra kết quả.

Lúc này, những người đang nắm giữ ngoại tệ sẽ phải tính toán để chọn gửi tiền đồng hay USD. Bởi tỷ giá đã không tăng như kỳ vọng và NHNN cho biết, sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới kể cả khi FED điều chỉnh lãi suất.

Cụ thể, những ngày đầu tiên sau khi Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 18/12/2015) và thay thế Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25/9/2015, tỷ giá VND/USD bán ra được các NH niêm yết được giữ vững ở mốc trên dưới 22.500 đồng/USD. Sang ngày 22/10/2015 duy trì ở mức 22.500 đồng.

Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một NH cho biết họ có thể thoả thuận mua được ngoại tệ ở mức 22.375 đồng/USD. Đến nay, tỷ giá USD đã giảm và ổn định ở giá 22.390-22.460 (mua vào - bán ra). USD tự do tại TP.HCM hiện giao dịch tại mức mua vào 22.410 đồng/USD, bán ra vào khoảng 22.540 đồng/USD.

Có thể nói, giá ngoại tệ hiện nay ổn định sau công bố của FED là điều chưa từng xảy ra kể từ 2 năm qua. Bất ngờ hơn là USD do tỷ giá rơi mạnh.

Những lời than thua lỗ vì găm giữ ngoại tệ đã cất lên. Anh N.T.C (chủ một xưởng dệt tại Q.12, TP.HCM) cho biết, trong tuần vừa qua, số tiền mất đi vì tỷ giá lên tới 46 triệu đồng. Khoản tiền mất được anh C tính dựa trên giá USD giảm so với thời điểm mua và lãi suất gửi 0,5%.

Theo anh N.T.C lần này giới đầu cơ không tính đến chuyện NHNN sẽ cắt giảm lãi suất gửi USD, chỉ kỳ vọng khi FED thông qua việc tăng lãi suất, sẽ bán ngay một phần USD, số còn lại gửi vào NH chờ đợi biến động. "Ngờ đâu NHNN có chính sách mới, giá USD lao dốc, NH không trả lãi suất nữa nên bây giờ phải bán USD cắt lỗ lấy tiền mặt để nhập hàng", anh C chia sẻ.

Chưa thể kỳ vọng tỷ giá tăng

Vẫn còn rất nhiều nhà đầu cơ ngoại tệ có tiềm lực vẫn quyết tâm bám trụ với việc găm giữ USD. Một số người nhận định, những quyết sách lần này của NHNN chỉ mang tính ngắn hạn vì nhiều dự báo sắp tới đây sẽ buộc phải tăng tỷ giá, lúc đó giá USD sẽ tăng vọt.

Cụ thể, một nhà đầu cơ tên Mai (chợ Bến Thành) cho biết, tỷ giá bán USD hiện tại của các NHTM đã ở sát mức trần biên độ cho phép của NHNN.

Trong khi đó, giá USD tự do có thời điểm tăng lên 22.800 đồng. Chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do và NH phản ánh tình trạng căng thẳng về tỷ giá đang ở cao độ trong thời điểm gần cuối năm Âm lịch. Chưa kể, đồng NDT liên tục mất giá trong những ngày qua...

USD là đồng tiền thanh toán quốc tế, vai trò thanh toán của nó ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nợ công không hề giảm bớt trong những năm qua và đang tiệm cận ngưỡng an toàn, các khoản nợ phải trả cả gốc và lãi hằng năm của Chính phủ ngày một cao, dự trữ ngoại hối tăng về số lượng nhưng lại giảm tính theo tuần nhập khẩu, nhập siêu tăng dần... càng làm cho vai trò thanh toán của USD ở Việt Nam không hề yếu đi.

"Như vậy, cùng với quyết định của FED, áp lực phá giá tiền đồng về tâm lý đang cao hơn bao giờ hết và không dại gì chúng tôi bán USD ra. Chỉ cần chờ đến đầu năm 2016 là có thể có lời", chị Mai khẳng định.

Có điều, những người như chị Mai chưa thấy được hết hàm ý mà NHNN phát đi. Đơn cử, ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng vốn huy động trên địa bàn năm 2015 đạt hơn 1,567 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2014. Trong đó vốn huy động bằng tiền đồng đạt hơn 1,324 triệu tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng huy động.

Vốn ngoại tệ đạt hơn 243.000 tỷ đồng, chiếm 15,5%. Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động.

Năm 2015 tốc độ tăng trưởng của tiền gửi VND cao hơn tiền gửi ngoại tệ và tiếp tục là bộ phận tiền gửi chủ yếu trong tổng tiền gửi chiếm 84,5% trong tổng huy động. Diễn biến này chủ yếu do 3 nguyên nhân chính sau.

Thứ nhất là chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VND và ngoại tệ (kể cả sự biến động của tỷ giá) tiếp tục hấp dẫn người gửi tiền. Thứ hai là sự ổn định và hiệu quả của chính sách tiền tệ. Thứ ba là huy động vốn năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ba năm gần đây, tăng 16,6%.

Nhận thấy người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng tỷ giá USD/VND tiếp tục điều chỉnh tăng vào cuối năm nay, tiếp tục găm giữ ngoại tệ, gây bất lợi cho việc chống đô la hóa của nền kinh tế, NHNN đã cắt giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% là có tính ổn định chứ không phải nhất thời.

Và hành động lần này của NHNN dứt khoát vì dù có giảm lãi suất về 0% cũng không ảnh hưởng đến hệ thống NH. Cụ thể, tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động vốn của các NHTM.

Ngược lại, cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi. Đồng thời, việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% không tác động nhiều đến lượng cung USD trên thị trường.

NHNN muốn thị trường nhìn thấy rằng, so với lãi suất tiền đồng, gửi tiết kiệm ngoại tệ lúc này không còn có lợi tức.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã giảm so với trước đây, song lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nên gửi VND vẫn hưởng lãi suất thực dương. Như vậy, nếu tỷ giá có tăng 1% trong thời gian tới cũng không thể so sánh được với lãi suất VND.

Chưa kể, trong ngắn hạn, nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH ít hơn kỳ vọng của nhà đầu tư (khoảng 3 - 5%) cho cả năm 2016, người dân có quyền kỳ vọng áp lực phá giá tiền đồng vẫn cao. Ngược lại, nếu NHNN đưa ra mức phá giá mạnh thì sẽ gây sốc cho thị trường.

Như vậy, vào đầu năm sau, NHNN mới có thể đưa ra chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nhưng trong khuôn khổ thận trọng.

Và trong bối cảnh các đồng tiền thị trường mới nổi tiếp tục có biến động mạnh trong năm 2016, khả năng neo đồng tiền Việt Nam vào một giỏ tiền tệ là một biện pháp mà NHNN có thể xem xét.

Theo Linh Chi

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên