MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu FED tăng lãi suất, “Việt Nam khó biến động mạnh”

17-09-2015 - 12:50 PM | Tài chính - ngân hàng

“Thực ra, việc FED tăng lãi suất vào tuần này có thể xem là một tín hiệu tốt”...

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam dự tính, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Có hai tình huống để xem xét: FED sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cơ bản hay vẫn tăng tốc độ rất chậm.

Điều quan trọng nhất là thông điệp

Ông có thể giải thích vì sao cuộc họp lần này của FED (trong hai ngày 16-17/9) lại được thị trường đặc biệt chú ý như vậy?

Mỹ hiện nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và đồng USD vẫn là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động tài chính và thương mại. FED đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0 trong khoảng 8 năm trở lại đây.

Chính việc duy trì lãi suất cơ bản thấp nhất trong lịch sử này đã giúp tránh được sự đổ vỡ của thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn 2007-2008 và giúp thị trường tài chính khôi phục trong các năm sau đó. Nền kinh tế thế giới cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ở một số thị trường như Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, hệ lụy của việc duy trì lãi suất thấp là khuyến khích vay nợ nhiều hơn đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Như vậy, khi FED bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.

Đây chính là lý do tại sao toàn bộ thị trường thế giới đang nín thở theo dõi các động thái của FED trong việc tăng lãi suất cơ bản.

Theo tôi, việc FED tăng lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm nay, hoặc vào thứ Năm tuần này hoặc trong tháng 12/2015, và thị trường đã đưa dự báo này vào trong giá cả.

Thực ra, việc FED tăng lãi suất vào tuần này có thể xem là một tín hiệu tốt khi loại bỏ được sự bất ổn khi thị trường vẫn chưa ngã ngũ trong việc dự đoán khi nào FED sẽ điều chỉnh lãi suất.

Điều quan trọng nhất là thông điệp của FED sau khi điều chỉnh lãi suất. FED sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cơ bản hay vẫn tăng tốc độ rất chậm nhằm không gây tác động lớn đến thị trường tài chính thế giới. Theo tôi, nhiều khả năng tình huống thứ hai sẽ diễn ra và như thế tôi không kỳ vọng có nhiều biến động mạnh sau khi FED tăng lãi suất cơ bản.

Nếu FED nâng lãi suất, đâu là những tác động liên quan và như thế nào với Việt Nam, thưa ông?

Khi FED nâng lãi suất cơ bản, chi phí vay vốn bằng USD của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên. Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá cũng sẽ tăng trừ khi lãi suất VND cũng được điều chỉnh tăng để duy trì sự hấp dẫn của đồng nội tệ. Đây cũng là một bài toàn khó vì chúng ta vẫn cần duy trì mặt bằng lãi suất đủ thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam hiện nay không nhiều nên tác động của việc rút vốn nóng ra khỏi Việt Nam sẽ rất ít và áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ rất ít.

Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã rất khác

Còn với diễn biến thị trường trong nước, ông dự báo thế nào về những phản ứng có thể xẩy ra, như với khả năng diễn biến của tỷ giá?

Tôi nghĩ thị trường sẽ khó có biến động mạnh khi việc nâng lãi suất cơ bản của FED đã được dự báo từ trước và Ngân hàng Nhà nước đã tính phương án này vào trong việc điều hành chính sách tiền tệ từ giờ đến cuối năm.

Với dự trữ ngoại hối tương đối tốt và cam kết của Ngân hàng Nhà nước giữ tỷ giá ổn định đến hết năm, tôi nghĩ tỷ giá sẽ không có nhiều biến động.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý hiện nay thị trường đều dự báo FED sẽ tăng 0,25% trong năm nay (trong tuần này hoặc vào tháng 12). Nếu trên thực tế họ tăng nhanh hơn dự báo của thị trường, tác động lên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam sẽ rất lớn và chúng ta cần rất linh hoạt phản ứng với thị trường.

Trong những tình huống đó, theo ông Việt Nam nên ứng xử như thế nào, cả với người dân và doanh nghiệp?

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước đã rất đúng đắn khi không khuyến khích cho vay ngoại tệ cho các doanh nghiệp không có nguồn thu xuất khẩu đã phần nào giảm lượng vốn vay ngoại tệ trên thị trường trong vài năm trở lại đây. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên thị trường ngoại hối khi thị trường đổi chiều.

Ngân hàng Nhà nước khó có khả năng cắt giảm lãi suất VND ngắn hạn thêm nữa khi FED nâng lãi suất cơ bản vì chúng ta vẫn cần duy trì vị thế của VND.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, xu hướng vay ngắn hạn bằng ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng tại nước ngoài đã tăng lên khá mạnh. Khi FED nâng lãi suất cơ bản, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ cần chủ động xem xét các phương án phòng chống rủi ro về lãi suất USD và tỷ giá.

Trong trường hợp thị trường ngoại hối trong nước có biến động nhất thời, doanh nghiệp và người dân nên cẩn trọng khi tham gia mua bán. Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã rất khác so với các năm trước đây và cũng rất khác so với các nước trong khu vực.

Hiện chúng ta có cán cân thanh toán thặng dư, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vốn FDI vẫn chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với các nước khác. Do đó, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hoàn toàn có khả năng đáp ứng được cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân.

 

Theo Minh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên