MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngại kiểm soát đặc biệt, ngân hàng giấu nợ xấu

14-05-2015 - 08:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Đại Dương là trường hợp thứ hai sau Ngân hàng Xây dựng bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng sau khi đã công bố nợ xấu là 2,56% thay vì mức 5,03% như trong báo cáo tài chính hồi quý II năm ngoái.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
51 bài viết

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: "Che giấu nợ xấu đang là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay".

* Tham vọng của NHNN là đến ngày 30/6 phải bán được tối thiểu 75% và đến ngày 30/9 bán hết 100% tổng số nợ xấu. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Cái khó nhất là phân loại nợ để xác định nợ xấu, đấy là quyền của các ngân hàng thương mại (NHTM), cơ quan quản lý không thể nắm hết được để bảo đúng hay sai. Cho nên, không ít NHTM che giấu nợ xấu do quan ngại lộ ra có thể rơi vào kiểm soát đặc biệt.

Vấn đề là làm thế nào để các NHTM nghiêm túc thực hiện và không che giấu nợ xấu. Ở đây, ngoài kỷ luật, nên có biện pháp để các NHTM thấy được lợi ích của việc công khai tỷ lệ nợ xấu.

* Ông nói đến giảm che giấu nợ xấu, nhưng bằng cách nào?

- Tôi nghĩ, ngoài việc đưa ra công cụ là bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), NHNN phải làm cho các NHTM thấy rằng, về mặt kinh tế, xử lý nợ xấu có lợi hơn che giấu.

Cạnh đó, khi bung nợ xấu ra, NHTM không bị rơi vào kiểm soát đặc biệt, hay rơi vào cảnh của VNCB (NH Xây dựng) hay Ocean Bank (NH Đại Dương).

* Xử lý nợ xấu bằng phương thức ấn định tỷ lệ nợ xấu, ông nhận định thế nào về cách làm này?

- Ấn định số nợ xấu liên quan đến mục tiêu chung của NHNN đối với các NHTM là phải kéo tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống xuống dưới 3% vào cuối năm 2015, nhưng để đạt được mục tiêu đấy, bản thân từng NHTM phải kéo nợ xuống.

Tất nhiên, trong quá trình kéo đấy thì có ngân hàng cao hơn 3% và có ngân hàng dưới con số này.

Một điểm nữa, hiện nay các NHTM đang cơ cấu lại, nợ xấu có thể là một tiêu chí đánh giá về mức độ cơ cấu lại của từng NH. Ấn định tỷ lệ nợ xấu buộc các NH phải cơ cấu lại tín dụng, hạn chế chia cổ tức để chuyển lợi nhuận sang trích lập dự phòng.

Ấn định tỷ lệ nợ xấu mang lại lợi ích cho các NHTM. Với tỷ lệ nợ xấu hiện nay, các NHTM cũng e ngại về cung cấp tín dụng và cơ quan quản lý cũng siết chặt hơn việc cho vay.

NHNN hy vọng thông qua công cụ này, có thể khơi thông được tín dụng.

* Điều đáng nói, tại sao lại ép các NHTM theo tỷ lệ 3%?

- Bán cho VAMC được xem là công cụ giúp các NHTM xử lý được nợ xấu, thay vì tự họ xoay xở. Việc giao chỉ tiêu cho các NHTM cũng phù hợp với cách thức xử lý nợ xấu hiện nay, tức là gạt hết phần quá 3% cho VAMC.

Ngoài ra, nó cũng là một cái chuẩn để giúp các NH xác định được mục tiêu và cơ cấu lại.

* Dù mới công bố đến tháng 1/2015 nhưng tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 3,25% lên 3,49% so với tháng 12/2014, khiến dư luận quan ngại về các giải pháp xử lý không liên tục. Ông nói gì về điều này?

- Theo dõi, tổng hợp về nợ xấu được duy trì thường xuyên ở hai hệ thống: báo cáo của các tổ chức tín dụng và Thanh tra NHNN. Về mặt kỹ thuật, có thể công bố đều hàng tháng về số nợ xấu.

Nợ xấu mang tính nhạy cảm, tính xã hội rất cao, do đó một trong những biện pháp xử lý nợ xấu là phải công khai mức nợ xấu với xã hội để tạo sự công khai minh bạch, tăng chỉ số niềm tin.

Mặt khác, cách làm này cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý giám sát các NHTM theo con số nợ đã công bố, buộc họ phải đẩy nhanh tiến độ xử lý và khi tỷ lệ nợ xấu đến mức độ nào đó, buộc phải bán cho VAMC và thực hiện tái cơ cấu.

* Cảm ơn ông!

 

Theo HẢI VÂN

PV

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên