MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng dồn vốn cho doanh nghiệp vừa vừa nhỏ

10-12-2014 - 08:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Với các chương trình đẩy tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đang có những bước đi khá nhanh và vững trên con đường tìm kiếm đầu ra cho dòng vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2014, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng 10,22% so với cuối năm 2013. Tại phiên họp chính phủ thường kỳ ngày 1/12, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định tín dụng năm nay có thể đạt khoảng 13%. Các chuyên gia và các tổ chức kinh tế trong nước cũng lạc quan với mục tiêu tín dụng đề ra của năm 2014 là từ 12 – 14%.

Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lãi suất hiện nay đã về mức thấp gần chục năm qua và không còn là rào cản tín dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với các chương trình đẩy tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đang có những bước đi khá nhanh và vững trên con đường tìm kiếm đầu ra cho dòng vốn.

Dẫu tín dụng đang về đích an toàn nhưng không có nghĩa là các ngân hàng đã “buông tay” nghỉ ngơi. Trong thời gian qua, nhà băng vẫn nỗ lực tìm kiếm khách hàng cũng như dành những chính sách ưu đãi cho các đối tượng mà họ chú trọng, trong đó đáng chú ý là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Hiểu rõ việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp SME thường gặp khó khăn so với các doanh nghiệp nhà nước, chương trình SMEFP III - chương trình cho vay được các ngân hàng phối hợp với Ban Quản lý các Dự án tín dụng quốc tế – NHNN và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ra đời nhằm hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các SME để đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã góp phần đáng kể trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Như chương trình SMEFP đang triển khai ở ABBank, mức lãi suất ưu đãi theo giảm tới 4%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng, và thời hạn cho vay tối đa lên tới 10 năm, ân hạn tối đa 2 năm cùng cam kết thực hiện giải ngân với thủ tục linh hoạt, nhanh chóng và đơn giản nhằm hỗ trợ tối đa cho các SME tham gia.

Theo lãnh đạo ABBank, doanh nghiệp SME là đối tượng khách hàng trọng tâm, hiện chiếm tỷ trọng 95% trong tổng số khách hàng doanh nghiệp tại nhà băng này. Với tầm nhìn chiến lược trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, ABBank đang đẩy mạnh cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc biệt dành cho SME như tiền gửi, tiền vay, quản lý tiền tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh… nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Thông qua các chương trình này, ABBank cũng mong muốn sẽ tiếp tục thắt chặt và mở rộng hơn nữa mối quan hệ với các khách hàng hiện hữu cũng như với đối tác, khách hàng mới.

Trên thực tế, đúng như tên gọi "thời hạn vay dài, lãi suất ưu đãi" - Chương trình SMEFP đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp và ngành ngân hàng thời gian qua. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Đức Hạnh, từ khi ra đời vào năm 2010, ngoài việc phải kêu gọi thêm một số cổ đông góp vốn như Tổng công ty May Đức Giang, Công ty Bình Mỹ và các cổ đông cá nhân khác, công ty đã phải tính đến việc vay vốn ngân hàng. Nhờ mối quan hệ làm ăn lâu năm với Tổng công ty Đức Giang, nên công ty Đức Hạnh cũng có chút thuận lợi khi tìm kiếm nhà tài trợ vốn và cuối cùng đã tiếp cận được dòng tiền từ ngân hàng An Bình qua chương trình SMEFP.

“Hồ sơ vay vốn đơn giản, quá trình chuẩn bị hồ sơ được hướng dẫn tỉ mỉ, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, lã suất lại phù hợp là những đóng góp quan trọng cho lợi nhuận của công ty chúng tôi trong thời gian qua”, ông Dũng chia sẻ.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, SMEFP là chương trình được triển khai ở nhiều địa phương và được các ngân hàng tích cực hưởng ứng, đã đem lại kết quả khả quan, giúp các doanh nghiệp SME có thêm cơ hội tiếp cận được vốn giá rẻ, hỗ trợ tích cực vào sự hồi phục của nền kinh tế.

Không chỉ là những chương trình cụ thể, đối tượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng luôn được các ngân hàng chú trọng phát triển. Bởi lẽ, hiện nay có tới xấp xỉ 90% số doanh nghiệp Việt Nam là thuộc nhóm SME, là lực lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ rất quan trọng, đóng góp khoảng 40% GDP cho nền kinh tế.


Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên