Ngân hàng họp... tổ dân phố
Cho vay khách hàng cá nhân đang là một kênh mà nhiều NH ngày càng chú ý vì cho vay đối với DN trở nên khó khăn.
Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) kém đi, nhưng thu từ lãi cho vay hiện nay vẫn chiếm hơn 80% nguồn thu của các ngân hàng (NH). Vì thế, bằng nhiều cách, các NH vẫn xoay sở để có thể tăng trưởng tín dụng.
Nhắm
đến phân khúc cá nhân
Cho vay khách hàng cá nhân đang là một kênh mà nhiều
NH ngày càng chú ý vì cho vay đối với DN trở nên khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng
Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết, cho vay cá nhân của
các tổ chức tín dụng trên địa bàn 8 tháng đầu năm tăng trưởng đến 40%, cao hơn
rất nhiều so với mức tăng trưởng chung 4,87% của toàn thành phố.
Tuy nhiên, do chỉ là những khoản vay nhỏ nên hiện dư
nợ dành cho mảng khách hàng cá nhân chiếm khoảng 8 - 9% tổng dư nợ của các tổ
chức tín dụng trên địa bàn.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NH Nam Á, cho biết
NH này có tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 25%, và định hướng hiện nay là trở
thành NH bán lẻ, hướng đến cho vay cá nhân và các DN nhỏ.
Nam Á hiện đang tiếp cận các cá nhân qua kênh tổ dân
phố, bằng cách tài trợ các chương trình nhỏ của các tổ dân phố, xin vào họp ở
các tổ dân phố tiềm năng để tiếp cận khách hàng cá nhân. Do vậy, tăng trưởng
tín dụng cho khối khách hàng cá nhân của Nam Á khả quan, hiện chiếm khoảng 30%
tổng dư nợ của NH.
NH OceanBank cũng tung ra gói tín dụng lãi suất
5,91% cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng khác... Tùy sản phẩm mà mức
lãi suất ưu đãi này kéo dài cả năm, hoặc sáu tháng. Mức lãi suất này còn thấp
hơn mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 3-6 tháng của các NH cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank,
cho biết, để đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, OceanBank đã xây dựng chỉ số đo
đếm sự đơn giản cho từng sản phẩm, gọi là Easy Indicator (EI), trong đó sẽ đo về
số lượng thông tin khách hàng cần điền vào, thời gian khách hàng điền thông
tin, số chữ ký khách hàng phải thực hiện, số lần khách hàng phải đến NH... Mỗi
sản phẩm trước khi ra đời phải thỏa mãn chỉ số này ở mức tối thiểu.
Một số NH có tăng trưởng tín dụng khá hiện nay như
Sacombank, HDBank cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng có lãi suất thấp cho
khách hàng cá nhân cũng như kinh doanh hộ gia đình. Ông Phan Huy Khang, Tổng
giám đốc Sacombank, cho biết, tùy từng đối tượng khách hàng như tiểu thương,
giáo viên, bác sĩ, NH đều thiết kế gói sản phẩm riêng và cách tiếp cận riêng.
Ví dụ đối với cho vay tiểu thương, NH liên kết với
các ban quản lý chợ để cho vay, và trong gói sản phẩm tín dụng có luôn quyền lợi
bảo hiểm tín dụng cho khách. Do vậy, trong vụ cháy trung tâm thương mại ở Hải
Dương vừa qua, 52 tiểu thương có vay vốn tại Sacombank đều được chi trả bảo hiểm.
Giảm
lãi suất, tiếp cận DN nhỏ
Theo đại diện của một NH cổ phần trụ sở ở Hà Nội, mảng
cho vay các nhân của NH đang tốt nhưng cho vay DN thì lại đang tắc đầu ra vì
tìm ra được DN tốt để cho vay quá khó.
Ông cho biết đang tìm kiếm những chương trình giao
lưu DN quy mô nhỏ, chỉ vài chục DN để đưa nhân viên đến trực tiếp làm quen và
tư vấn bán sản phẩm.
Ngày trước, vay vốn tại các NH nhà nước là điều
không dễ dàng đối với các hộ kinh doanh do không rõ ràng trong các giao dịch, hồ
sơ chứng từ cũng như thiếu tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ngay cả các NH nhà nước
lớn hiện cũng đang bắt đầu tiếp cận đến những khách hàng này.
Với lợi thế cho vay với lãi suất thấp hơn các NH cổ
phần do có được nguồn vốn huy động dồi dào, nhân viên tín dụng của các NH
thương mại nhà nước hiện đã tiếp cận trực tiếp các DN nhỏ nhưng có lịch sử tín
dụng tốt.
Nếu khách hàng đang vay vốn tại NH khác thì nhân
viên NH thương mại nhà nước sẵn sàng tư vấn mua lại nợ của khách hàng đang vay
tại NH khác để chuyển sang vay tại NH mình với lãi suất thấp hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH Phương Đông,
cũng cho biết, sắp tới NH sẽ tung ra gói tín dụng với lãi suất rất cạnh tranh
phục vụ cá nhân và đặc biệt là DN cho mùa sản xuất trước Tết.
Trong khi đó, ông Vũ, Tổng giám đốc NH Nam Á cho biết
"sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để cho vay lãi suất thấp bằng lãi suất huy động
nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng và tăng tổng tài sản trong năm nay".
Các NH cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối
NH - DN do các NH nhà nước chi nhánh từng địa phương triển khai để có thể tiếp
cận DN, đa số là DN nhỏ đang có nhu cầu vay vốn ở từng địa bàn. Lãi suất cho
vay thông qua các chương trình này khá thấp.
Cụ thể, tại TP.HCM, các NH đã ký kết tài trợ vốn với
tổng hạn mức gần 8.000 tỷ đồng cho 371 DN và 65 hộ sản xuất, kinh doanh với lãi
suất ưu đãi. Với xu hướng lãi suất huy động giảm, các NH cũng đã điều chỉnh giảm
lãi suất cho vay đối với DN.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2013, tỷ
trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 75%, tăng 41,6% so với
cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm chiếm khoảng
16,8%, giảm 30% so với cuối năm 2012; và tỷ trọng các khoản vay có lãi suất
trên 15%/năm chiếm khoảng 8,3%, giảm so với tỷ trọng 20,6% vào cuối năm 2012.
Mặc dù một số NH có tăng trưởng tín dụng thấp, thậm
chí là âm, nhưng có nhiều NH cổ phần bằng các xoay sở nhiều hướng cũng đã có tốc
độ tăng trưởng tín dụng khả quan.
Tính đến cuối tháng 7, trong số 14 NH có trụ sở tại
Tp.HCM, có bốn NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 đạt hai con số,
đó là Sacombank (tăng 13%), Nam Á (tăng 24,7%), HDBank (tăng 15,2%), và An Bình
(tăng 16,4%). Riêng NH Á Châu (ACB) có mức tăng trưởng tín dụng suýt soát hai
con số, tăng 9,9% so với cuối năm 2012.
Theo Thu Thủy