Ngân hàng lao đao, chứng khoán có dấu hiệu bị đẩy giá
Theo nhận định của đài CNBC, nợ xấu cao tiếp tục làm ngân hàng Việt Nam đau đầu, nhưng thị trường chứng khoán thì vẫn bị đẩy giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút nhiều sự chú ý, với chỉ số VN Index leo dốc 17% từ đầu năm tới nay, nhưng bức tranh hệ thống ngân hàng lại ảm đạm hơn.
Trong một báo cáo vừa tung ra, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service giữ nguyên triển vọng "tiêu cực" về hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức, tài sản có vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải chiếm ít nhất 15% tổng tài sản, cao hơn nhiều so với con số nợ xấu 4,7% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào tháng 10/2013.
“Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào một sự cải thiện đáng kể về vốn của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới đây. Vốn của các ngân hàng hiện vẫn chưa đủ để hấp thụ mức lỗ có thể phát sinh từ sự yếu kém lan rộng trong chất lượng tài sản”, báo cáo của Moody's cho biết.
Mặc dù Moody's chỉ ra chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để chỉnh đốn các ngân hàng, giới chức trách vẫn chưa thực thi được những biện pháp “quyết liệt” cho một bộ tiêu chuẩn kiểm toán và minh bạch cao hơn, báo cáo nhấn mạnh.
Đặt trên bàn so sánh, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang làm cả thế giới lo ngại khi lượng nợ xấu tăng lên mức 1% tổng tài sản trong 3 tháng cuối năm 2013. Nhưng không như Việt Nam, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã tụt lùi trong cả năm do những thông tin tiêu cực từ ngân hàng.
Chính phủ Trung Quốc có đủ điều kiện tài chính và đã can thiệp để vực dậy hệ thống ngân hàng đang vướng vào rắc rối.
Còn ở Việt Nam, “nếu chính phủ muốn giúp đỡ, họ hoàn toàn có cơ hội. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu họ có muốn dùng công quỹ để hỗ trợ hệ thống ngân hàng hay không, vì cho đến hiện tại thì vẫn chưa có động thái gì thể hiện sự quan tâm này”, ông Art Woo – phân tích gia tại tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho CNBC hay.
Nhưng khi ngân hàng Việt đang lao đao, tại sau thị trường chứng khoán vẫn tăng đều?
Thứ nhất, không phải nhà đầu tư nào cũng tin vào số liệu tiêu cực Moody's đưa ra.
“Phân mảng ngân hàng đang hồi phục dần”, ông Kevin Snowball - CEO của PXP Vietnam Asset Management cho biết, đồng thời tin tưởng rằng tỷ lệ nợ xấu chỉ ở dưới mức 10% tổng tài sản.
“Chúng tôi tin hệ thống đang tìm cách để tháo gỡ. Rất nhiều khoản vay thế chấp trong số nợ xấu đó đang đọng lại tại bất động sản. Khi bất động sản lấy lại đà tăng thì mọi thứ sẽ được cải thiện”, ông nói thêm.
Trong năm 2007, khi thị trường bất động sản của Việt Nam chao đảo sau khi tăng nóng, lạm phát luôn ở mốc hai con số nhiều năm sau đó, lãi suất cho vay luôn trên mức 12% và đồng tiền nội tệ VND liên tục bị mất giá.
Lượng tín dụng cho các nhà phát triển cạn kiệt dần và đồng VND mất giá làm tăng giá của hàng nhập khẩu và nhân công lao động, khiến nhiều dự án phải bỏ dở giữa chừng.
Ông Snowball cũng cho biết kỳ vọng về việc chính phủ sẽ nới rộng hạn mức sở hữu nước ngoài của các công ty, giúp các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với cổ phần chất lượng cao.
“Chúng tôi cũng mong chờ quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, từ đó mang đến khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn”, ông nói.
“Khi hạn mức sở hữu được nâng lên, sẽ có nhiều nhà đầu tư để mắt đến thị trường, thị trường sau khi phục hồi sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, mọi thứ sẽ vận hành như một vòng quay, hy vọng là vậy”, ông Snowball nhận xét.
Trong tháng trước, khi chứng khoán tăng cao, chính phủ đã mở rộng biên độ sàn giao dịch Hồ Chí Minh HoSE từ 5% lên 7%, đồng thời tiết lộ sẽ nâng mức sở hữu nước ngoài tại nhiều phân khúc, trong đó có hàng tiêu dùng và bất động sản, theo thông tin của hãng tư vấn đầu tư GaveKal Research.
Theo Lê Phương