MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng nội đang giành lại tín dụng tiêu dùng

14-01-2013 - 15:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Phó TGĐ HSBC Việt Nam cho biết, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay rất khốc liệt, khối nội nhập cuộc với nhiều lợi thế, ít nhất là lãi suất của họ đang thấp hơn so với ngân hàng nước ngoài.

Vớt vát cuối năm

Cho vay tiêu dùng không còn là khái niệm mới ở các NHTM trong nước và nhiều người dân đã tìm tới ngân hàng để vay tiền tiêu dùng, nhưng do lãi suất cao và sự biến động của lãi suất khiến họ phải chùn tay. Vì thế mà trước nay người ta vẫn dùng hai chữ “tiềm năng” để nói về loại hình này.

Hơn nữa, vào những năm trước, thời điểm cuối năm, các ngân hàng trong nước thường ưu tiên vốn cho sản xuất hơn là cho vay tiêu dùng nên thị phần này được các ngân hàng nước ngoài và Công ty tài chính khai thác triệt để. Tuy nhiên, năm nay tình thế đảo ngược, trong bối cảnh kinh tế khó khăn khách hàng DN thưa thớt, các NHTM chuyển hướng dồn mạnh vốn sang kích tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân lấn át cả sản phẩm của khối ngoại.

Điều đó giải thích vì sao khi được hỏi, phần lớn các ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered, HongLeong Bank… đều thừa nhận họ sẽ không thể đạt kế hoạch kinh doanh vì một số lĩnh vực không đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Phạm Hồng Hải - Phó Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay rất khốc liệt, khối nội nhập cuộc với nhiều lợi thế, ít nhất là lãi suất của họ đang thấp hơn so với ngân hàng nước ngoài và các công ty tài chính. Cũng theo ông Hải, lý do khiến các NHTM đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong mấy tháng gần đây, trong đó bao gồm cho vay mua ô tô, xây nhà, sửa chữa nhà, mua bất động sản… với mức lãi suất ưu đãi vì hoạt động này vừa giúp ngân hàng giải phóng được nguồn vốn, vừa giúp người dân có vốn đầu tư, từ đó góp phần giúp DN giải phóng lượng hàng tồn kho, góp phần vào việc vực dậy nền kinh tế. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay cá nhân cũng thấp hơn rất nhiều.

Khó đạt kỳ vọng

Cạnh tranh quyết liệt là thế nhưng theo ông Phạm Hồng Hải, sự cạnh tranh đó đến nay vẫn chưa đem lại bất kỳ kết quả nào cho các bên. Bởi hiện nay, nền kinh tế đang khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến các gói sản phẩm vẫn chỉ mang tính quảng bá.

Khảo sát không chính thức của tổ chức thương mại ở Việt Nam vừa cho hay, tại các cửa hàng và shop bán lẻ ở Việt Nam, doanh số bán hàng trong hai tuần đầu tiên của tháng 12 thấp hơn so với dự đoán. Tăng trưởng doanh số bán hàng đã chậm lại kể từ quý II/2012 và các nhà bán lẻ e ngại thời điểm Tết Nguyên đán năm nay sức mua không tăng nhiều. Rõ ràng, sức mua kém và triển vọng kinh tế èo uột vẫn là những rủi ro chính của lĩnh vực bán lẻ trong năm 2013.

Ông Dương Đức Hùng - Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng ANZ Việt Nam cho hay, ngân hàng đã tăng hạn mức tối đa cho vay tiêu dùng tín chấp lên cao, kéo dài thời gian vay lên 48 tháng, lãi suất giảm thêm... Tuy nhiên, vị này cũng chia sẻ do kinh tế khó khăn nên sản phẩm triển khai chưa được nhiều người dân sử dụng, nhiều người không mạnh dạn chi tiêu nữa. Sự khó khăn này được lý giải vì khối ngân hàng nước ngoài thường cho vay qua thẻ tín dụng, mà điều kiện mở thẻ tại các ngân hàng nước ngoài khá khắt khe (chứng minh khả năng chi trả, nguồn thu nhập cao...).

Không chỉ các ngân hàng nước ngoài gặp khó, các công ty tài chính có vốn nước ngoài tại Việt Nam như Prudential, PPF Việt Nam, Việt SG... cũng ì ạch không kém. Lý do là trước nay, dù cho vay lãi suất cao nhưng công ty tài chính vẫn sống được vì đây là “cửa” của những người không thể vay ngân hàng (những người không thể chứng minh được thu nhập hoặc mức thu nhập không cao). Nhưng nay, các NHTM trong nước đã mở ra rất nhiều gói sản phẩm cho nhiều đối tượng vay nên không có lý do gì khách hàng phải tìm đến cửa công ty tài chính để chịu lãi suất cao nữa.

Cũng không nằm ngoài xu hướng, dù triển khai rầm rộ và hấp dẫn, nhưng các NHTM cũng không thể đạt kỳ vọng trong việc triển khai tín dụng tiêu dùng năm 2012. Nói như bà Võ Thị Thanh Tuyền - Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank, hiện nay người dân vay vốn chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu hơn là mua sắm tiện ích. “Vay tiêu dùng thực chất là mua sắm bằng thu nhập dự kiến trong tương lai, nhưng với sự khó khăn hiện nay, người ta lo đến sự bấp bênh trong thu nhập của mình. Như vậy, chỉ khi nền kinh tế ổn định thì những dịch vụ như vay tiêu dùng mới có thể phát triển đúng như tiềm năng vốn có của nó”, bà Tuyền chia sẻ.


Theo Thiên Kim

Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên