Ngân hàng “rục rịch” giảm lãi suất: Chỉ là “sóng ngắn”
“Nếu duy trì lãi suất thấp, lãi suất huy động sẽ rơi vào tình trạng âm, nghĩa là thấp hơn CPI sẽ không đảm bảo quyền lợi người gửi tiền…”
- 15-06-2015Thêm ngân hàng tăng lãi suất huy động
- 11-06-2015Đề nghị bỏ lãi suất cơ bản cho đỡ rối
- 10-06-2015NHNN nên cân nhắc quy định về trần lãi suất
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 17/6 về “sóng” tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại sau một thời gian giảm sâu.
Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm tăng khoảng 5,2%, điều này trái với quy luật tín dụng thường tăng “èo uột” những năm trước. Ông đánh giá như thế nào về con số tăng trưởng tín dụng đột biến này?
Lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất cho vay phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, tín dụng trên thị trường. Và căn cứ vào đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có chính sách điều hành phù hợp.
5 tháng đầu năm nay dự nợ tín dụng đã tăng 5,18%, đây là tín hiệu đáng mừng, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế, tiền đã “chảy” ra nền kinh tế nhiều hơn chứ không còn tình trạng “nghẽn” như trước đây. Với đà này, cả năm 2015 dư nợ tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có thể đạt 15-16% so với năm 2014.
Tăng trưởng tín dụng tăng nghĩa là cầu tín dụng tăng, trong điều kiện cung tín dụng có hạn định thì rõ ràng đây là áp lực gia tăng lãi suất đầu vào. Vì thế, việc các ngân hàng thời gian ngắn vừa qua rục rịch tăng lãi suất huy động đầu vào là hợp lý.
Nhưng tăng lãi suất huy động sẽ là thách thức giảm lãi suất đầu ra, nhất là lãi suất vay với doanh nghiệp hiện vẫn đang bị “kêu” là còn cao, thưa ông?
Đúng là việc tăng lãi suất là gánh nặng với người đi vay khi nghĩa vụ trả lãi tăng lên. Vấn đề là tốc độ tăng lạm phát hiện đang được kiềm chế và duy trì ở mức thấp. Tăng lãi suất ở mức nào hợp lý cần tính toán để không tiêu cực nhiều tới tăng trưởng.
Theo quy luật, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp thì lãi suất phải hạ tương đồng, khi CPI tăng thì lãi suất danh nghĩa để đảm bảo lãi suất thực với người gửi tiền.
Trong bối cảnh hiện nay, CPI năm 2014 và 5 tháng đầu năm ở mức thấp, chỉ tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%.
Vấn đề đặt ra là cần dự báo sát thực hơn với chỉ số CPI trong năm nay, và coi đây là một trong những căn cứ để NHNN quyết định can thiệp thị trường hay duy trì mức lãi suất ở mức hợp lý.
ĐB Bùi Đức Thụ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Chỉ số CPI cả nước năm nay dự báo sẽ tăng khoảng 5%, trong khi các ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất. Điều này có bất hợp lý, thưa ông?
CPI cả năm 2015 5% là mục tiêu điều hành mà Quốc hội giao cho Chính phủ. Mức này so với tăng trưởng GDP cả năm 2015 dự kiến 6-6,5% là hợp lý, góp phần ổn định tiền tệ, kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống người hưởng lương trong điều kiện chính sách tiền lương còn bất cập mà chưa có điều kiện cải cách phù hợp thực tiễn.
Việc điều hành chính sách tiền tệ cao hơn, thấp hơn hay ở mức nào là thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ. Như năm 2013, Quốc hội cho phép lạm phát tăng 7% nhưng CPI thực tế lại thấp hơn nhiều, và năm 2014 cũng vậy. Vì thế, tôi vẫn nhấn mạnh quan điểm, với mục tiêu điều hành CPI như vậy, NHNN sẽ điều hành thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ còn căn cứ vào thực tiễn để duy trì mức lãi suất hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế và đảm bảo lợi ích của người lao động, đặc biệt là người hưởng lương.
Vậy theo ông trong điều kiện sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay, theo ông có nên giảm tiếp lãi suất?
Lãi suất luôn có tính 2 mặt. Với người sử dụng vốn phải hợp lý, căn cứ nhu cầu về vốn, CPI để hỗ trợ tăng trưởng. Hạ lãi suất thấp cũng gây khó khăn cho huy động vốn. Nếu không huy động được vốn thì khi cung có mức độ, cầu tăng lên, tất yếu sẽ đẩy lãi suất lên.
Muốn duy trì lãi suất hợp lý thì NHNN phải điều tiết tổng phương tiện thanh toán, nới lỏng chính sách tiền tệ. Còn nếu tổng phương tiện tăng quá nhanh gây áp lực cho lạm phát. Nếu duy trì lãi suất thấp, lãi suất huy động rơi vào tình trạng âm, nghĩa là thấp hơn CPI sẽ không đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Do vậy, lãi suất mức độ nào căn cứ vào nhu cầu tín dụng trên thị trường, chỉ số CPI, quyền lợi ích giữa các bên, đặc biệt giữa người giữ tiền và gửi tiền.