Ngân hàng tái điều chỉnh chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp
Việc ngân hàng tăng cường hỗ trợ ngành nông nghiệp giúp họ kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong hoạt động cho vay bởi tỷ lệ nợ quá hạn của nhóm đối tượng này là thấp hơn các ngành khác.
Việt Nam được biết đến là một nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 18,38% GDP cả nước năm 2013. Hiện Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai rất nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, tái lập một thị trường nông nghiệp ổn định.
Để làm được điều này, cần phải có sự quan tâm góp sức của nhiều giới, nhiều ngành, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) – đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế.
Tại “Diễn đàn Tài chính cho nông nghiệp Việt Nam: Hợp tác cùng phát triển” tổ chức tại Hà Nội ngày 17/6/2014, Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đánh giá cao vai trò của NHTM trong thời gian qua, đồng thời cho biết trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những mô hình kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi cách nhìn nhận và hình thức cấp tín dụng mới.
Đại diện cho cộng đồng NHTM Việt Nam tại Diễn đàn, lãnh đạo Sacombank đã chia sẻ rằng hiện nay, các NHTM mà điển hình là Sacombank đã linh động xem xét và tái điều chỉnh chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm tài chính lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp; cơ cấu mô hình kinh doanh hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ một cách thiết thực cho 3 đối tượng trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm tổ chức/công ty/nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà nông vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện Sacombank đang dành hơn 1/3 sản phẩm trong hệ thống sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho nông nghiệp. Tính đến 31/5/2014, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp của Sacombank đã lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu tài chính cho gần 350.000 nông dân và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước thông qua hệ thống các điểm giao dịch trải dài khắp các tỉnh, thành, huyện, xã... Việc ngân hàng tăng cường hỗ trợ ngành nông nghiệp cũng đã giúp họ kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong hoạt động cho vay bởi tỷ lệ nợ quá hạn của nhóm đối tượng này là thấp hơn các ngành khác.
Trong hoạt động hướng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo chia sẻ của lãnh đạo Sacombank, ngân hàng không đơn thuần chỉ là nguồn cung ứng vốn cho người đi vay mà còn hỗ trợ, tư vấn cả về kỹ thuật, kỹ năng quản trị nông nghiệp. Ngày 17/6/2014 vừa qua, Sacombank đã cùng Tập đoàn Rabobank của Hà Lan ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp nhằm xây dựng và cung cấp đến người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này những sản phẩm tài chính trọn vẹn nhất. Buổi lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan ông Mark Rutte.
Ông Phan Huy Khang - Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ, việc hợp tác này là một minh chứng cho cam kết nỗ lực cung ứng những dịch vụ tốt nhất, những giá trị gia tăng hiệu quả nhất cho khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp của Sacombank. Thông qua cam kết với Rabobank, Sacombank sẽ có thêm một cơ hội mới để tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời tiếp cận những kỹ năng quản lý nghiệp vụ ngân hàng tiên tiến trong kinh doanh nông nghiệp và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.
Riêng với đối tác Rabobank Development (nhánh tư vấn kinh doanh nông nghiệp của Rabobank), ngân hàng sẽ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp để Rabobank có thể hoàn thành một cách tốt nhất những dự án đầu tiên tại Việt Nam.
Còn ông Marcel van Doremaele – Giám đốc điều hành Rabobank International tại Singapore kiêm đại diện vùng thì cho biết: với gần 3/4 dân số sống ở nông thôn, vấn đề phát triển nông nghiệp có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của Việt Nam. Thông qua Biên bản ghi nhớ này, Rabobank hy vọng sẽ được đồng hành cùng Sacombank góp một phần nhỏ vào việc cải thiện các sản phẩm dịch vụ tài chính nông thôn. Từ đó nâng cao giá trị cũng như chất lượng cho ngành thực phẩm và nông nghiệp của Việt Nam.
Rabobank là một định chế tài chính hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm (chiếm 85% thị phần tài chính nông thôn tại Hà lan). Cuối năm 2013, tổng tài sản của Rabobank đạt 674 tỷ Euro, có phạm vi hoạt động toàn cầu với hơn 150 đơn vị thành viên, 57.000 nhân viên, 1.500 văn phòng tại Hà Lan và 41 quốc gia trên thế giới.
Thế Như