MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ngân hàng vẫn là ngành sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index"

24-07-2015 - 17:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Công ty Chứng khoán BIDV ( BSC) vừa công bố báo cáo Triển vọng ngành quý III/2015, trong đó có đề cập về tình hình của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và duy trì đánh giá khả quan cho nửa cuối năm.

Theo đó, một tín hiệu đáng mừng ngay từ các tháng đầu năm 2015, tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 30/06/2015, dư nợ tín dụng tăng 6,28% so với thời điểm cuối năm 2014, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng cho biết, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ mức hiện tại là 13%-15% lên tới 17%. Thống đốc NHNN cũng đã chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho 18 ngân hàng và chi nhánh.

Huy động vốn tăng trưởng chậm

Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ trong nửa đầu năm nay. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 0,2%-0,5%, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 5,4%-6,5% kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,2%-0,3%, phổ biến ở mức 6-9% đối với các khoản vay ngắn hạn và 9- 11% đối với các khoản vay dài hạn.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu tăng trở lại từ đầu tháng 6/2015, sau thời gian dài liên tục giảm. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động như ACB, EIB, BID, CTG… Lãi suất huy động tăng do các ngân hàng cân đối lại nguồn tiền trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao trong khi huy động tăng trưởng chậm lại (huy động tăng 4,48% trong 6 tháng đầu năm 2015, cùng kỳ năm ngoái tăng 5,26%) và các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán phục hồi làm giảm sức hấp dẫn của các mức lãi suất tiền gửi.

Theo BSC, lãi suất đầu vào tăng trong khi lãi suất đầu ra chưa kịp tăng gây áp lực giảm NIM của ngân hàng. Với tỷ lệ NIM ở mức thấp (trung bình 2,8%), lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu như mục tiêu đề ra của NHNN (giảm 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn).

Đến cuối tháng 5/2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 3,15%, giảm so với cuối năm 2014 (3,25%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao và các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cho VAMC. Tính đến cuối quý I/2015, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết là 2,2% trong khi cuối năm 2014 là 1,84%.

BSC cho rằng tỷ lệ nợ có thể sẽ tăng trong quý II/2015 do tác động của quy định phân loại nợ thống nhất theo CIC, kết hợp phân loại nợ theo phương pháp định tính và định lượng và chấm dứt việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ 1/4/2015. Sau đó, tỷ lệ nợ xấu có thể giảm về mức mục tiêu 3% nhờ tăng trưởng tín dụng cao và các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC (hoàn thành bán nợ trước 30/09/2015).

Ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index

BSC chỉ ra, kết thúc quý I/2015, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 8 ngân hàng niêm yết tăng 40,38% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ EIB, các ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Một số ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng/tổng dư nợ cao gồm VCB, BID, MBB và ACB. BSC đánh giá đây là một dấu hiệu tích cực.

Nguồn dự phòng rủi ro tăng lên giúp các ngân hàng có khả năng phòng vệ rủi ro tín dụng tốt hơn. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được dự báo tăng do tỷ lệ nợ xấu tăng và các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng khoản nợ xấu bán cho VAMC.

BSC vẫn tiếp tục duy trì đánh giá khả quan đối với ngành ngân hàng. "Đây vẫn là ngành sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index", báo cáo nhận định.

BSC cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục khả quan nhờ kinh tế hồi phục, lãi suất cho vay thấp, nới trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 30% lên 60%. Thêm vào đó với việc các NHTM đẩy mạnh trích lập và bán nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cuối năm có thể đạt mục tiêu dưới 3%.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên