MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ngân hàng cần chuẩn bị gì?

09-08-2015 - 14:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Còn hơn 4 tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực. Để cạnh tranh và đứng vững trong sân chơi này, các ngân hàng Việt Nam phải chuẩn bị đủ “sức khỏe” cho sự cạnh tranh và phát triển, trong đó công nghệ và con người là hai yếu tố cần đặc biệt quan tâm.

Chưa thể có sự đầu tư ồ ạt 

Theo TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2016. Điểm đáng chú ý là lộ trình hội nhập tài chính giai đoạn 2015 - 2020 của AEC sẽ loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn. Điều đó có nghĩa, mọi rào cản và khác biệt trong ngành giữa các quốc gia trong khối sẽ được xóa bỏ để tạo ra một hệ thống ngân hàng AEC hoạt động bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào.

Với AEC, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%. Nếu nhiều hơn, phải được sự chấp thuận của Chính phủ, còn đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%...

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng, khi được sở hữu tỷ lệ cổ phần càng nhiều thì sự tham gia của nhà đầu tư trong điều hành ở các ngân hàng càng cao, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài thì điều này càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, bởi khi đó, họ có thể kiểm soát vốn đầu tư của mình sử dụng hiệu quả đến đâu.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi gia nhập AEC, sẽ có lộ trình tăng thêm sở hữu cổ phần chứ không tăng ngay lập tức nên chưa thể có làn sóng đầu tư ồ ạt vào các ngân hàng Việt Nam. Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây chỉ là sự mở cửa xét về mặt lý thuyết. Trên thực tế, việc gia nhập AEC vẫn cho phép sự thỏa thuận và Việt Nam có thể chưa phải mở cửa với lĩnh vực ngân hàng ngay lập tức ở mức 70%. Song, việc mở cửa lên tới 40 - 50% là điều có thể diễn ra.

Chỉ tăng vốn không chưa đủ

Để thu hút được các nhà đầu tư và cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam phải có sự chuẩn bị để hội nhập vào nền kinh tế khác và mở rộng hoạt động của hệ thống ngân hàng ra các nước khu vực. Để làm được điều này, 4 NHTM hàng đầu (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) của Việt Nam phải trở thành ngân hàng có sức mạnh thực sự.

Chẳng hạn về nguồn vốn, hiện trong khu vực đã có các ngân hàng có vốn chủ sở hữu tới vài trăm tỷ USD, trong khi ở Việt Nam chưa có ngân hàng nào đạt mức vốn chủ sở hữu 50 tỷ USD, chính vì vậy thời gian gần đây các ngân hàng đang phải đẩy mạnh tăng vốn. Đơn cử như, sau khi PGBank sáp nhập vào VietinBank thì vốn điều lệ của VietinBank tăng thêm 3.000 tỷ đồng, đạt hơn 42.000 tỷ đồng. Sau khi MHB sáp nhập BIDV, thì BIDV có vốn điều lệ là 31.512 tỷ đồng. Hoặc bằng phương án mời thêm nhà đầu tư, DongABank đã cùng Công ty cổ phần Kinh Đô tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và mục tiêu đến cuối năm, DongABank sẽ tăng vốn lên 8.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Phụ trách dịch vụ tài chính Ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam Nguyễn Thùy Dương, nếu chỉ tăng vốn thôi cũng chưa đủ mà quan trọng hơn, các ngân hàng cần phải có các nhà đầu tư lớn mạnh thì tiềm lực của ngân hàng mới thực sự mạnh. Bởi khi tham gia vào AEC, các ngân hàng phải đủ “sức khỏe”, phát triển toàn diện mới cạnh tranh được trên thị trường. “Ngoài ra, vào AEC, công nghệ và con người là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của các ngân hàng” - bà Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh.

Ngoài ra, về mặt quản trị ngân hàng TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các ngân hàng phải cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho đại hội đồng cổ đông cũng như bảo đảm tính công bằng và chính sách cổ tức phù hợp, nhất là đối với các cổ đông thiểu số. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần tăng tính minh bạch như phát hành báo cáo thường niên và công bố các báo cáo tài chính đúng hạn…

 

Theo Đức Kiên

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên