Nghịch lý trong giảm tải tại các cây ATM
Đến nay đã có tổng cộng hơn 57 triệu thẻ ATM được phát hành. Lúc cao điểm, bình quân cứ mỗi quý có từ 3,3 đến 3,8 triệu thẻ ATM được phát hành thêm.
Vietinbank hiện là
ngân hàng có số lượng thẻ lớn nhất, với 12,6 triệu thẻ, chiếm hơn 23%
thị phần. Agribank
theo sát phía sau khi lượng phát hành của 14 sản phẩm thẻ các loại với
số lượng tăng bình quân hơn 2 triệu thẻ/năm; đạt tổng cộng hơn 12 triệu
thẻ vào tháng 6 vừa qua và hiện chiếm 20% thị phần trên thị trường thẻ.
Ít hơn, nhưng các ngân hàng khác như ACB, Sacombank, Đông Á… lượng thẻ
phát hành ra thị trường cũng đã đạt tới con số vài triệu thẻ.
Lượng thẻ ATM phát hành tăng nhanh, nhưng số máy ATM và điểm chấp nhận thanh toán thẻ tăng khá chậm, bình quân cứ 10.000 người dùng thẻ mới có 1,7 máy ATM phục vụ.
TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, chính việc chỉ chú trọng phát triển số lượng thẻ trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm rút tiền ATM vào những dịp cao điểm. Để tránh tắc nghẽn khi số lượng cây ATM còn khá ít lại phân bố chưa đều, các ngân hàng đã liên minh để khai thác chung máy ATM.
Song kể từ sau khi các liên minh phục vụ chủ thẻ giao dịch ngoại mạng hình thành, số lượng máy ATM tại các điểm đặt máy tập trung chỉ còn 2-3 máy; tình trạng 3-4 ngân hàng đặt máy ATM chung một chỗ giảm dần khiến người dùng thẻ liên tục phải chờ đợi đến lượt giao dịch tại các máy ATM. Để giảm tải cho cây ATM, mục tiêu đến 2015 cả nước phải đạt 250.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ, thì đến thời điểm hiện tại, con số này còn chưa đạt được một nửa.
Với số lượng thẻ ATM khổng lồ đã phát hành, chỉ cần mỗi chủ thẻ để lại 50 ngàn đồng trong tài khoản, các ngân hàng đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng vốn rẻ để đưa vào kinh doanh. Vì vậy, ngay cả khi được thu phí thì Ngân hàng VIB vẫn đưa ra yêu cầu chỉ cần mỗi chủ thẻ để cố định 500 ngàn đồng sẽ khỏi tốn phí. Về lý do các ngân hàng ngại đầu tư cây ATM, theo một đại diện ngân hàng, ngoài tiền chi phí lắp đặt khá lớn, cứ mỗi cây ATM ngân hàng phải bỏ vào đó từ 600 – 700 triệu đến 1 tỷ đồng để phục vụ chủ thẻ. Với địa bàn có lượng thẻ phát hành lớn như TP Hồ Chí Minh, cứ trung bình 3 ngày ngân hàng phải tiếp 1 tỷ đồng cho 1 máy ATM.
Theo tính toán của Hiệp hội thẻ, chi phí cho mỗi giao dịch ở máy ATM là 9.000 đồng/lần; các ngân hàng như Vietcombank chi phí ở mức 6.000 đồng/giao dịch. Như vậy, sau khi trừ đi khoản phí giao dịch thu về, các ngân hàng vẫn lỗ tới vài ngàn đồng/lần giao dịch. Đây chính là lý do khiến các ngân hàng dựa dẫm vào nhau, buộc người dùng thẻ phải trả phí mượn máy 1.500 đồng/lượt giao dịch để né việc lắp đặt thêm cây ATM.
Đồng thời, đây cũng chính là lý do được các ngân hàng đưa ra để tăng phí. Ngân hàng càng đặt nhiều máy ATM càng than lỗ, trong khi ngân hàng phát hành thẻ vẫn ung dung tung ra các dịch vụ cộng thêm để hưởng lợi từ các khoản phí do chủ thẻ trả. Người dùng thẻ ATM thì liên tục phải chờ đợi do quá tải cùng nhiềulý do khác như máy hết tiền, giao dịch không thể thực hiện do nghẽn mạng tạm thời… tại các cây ATM. Đây là nghịch lý cần được NHNN xem xét để có biện pháp ràng buộc về số lượng cây ATM với những ngân hàng muốn phát hành thêm thẻ.
Theo Đ.Thắng