MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người chạy vòng quanh

02-04-2014 - 13:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhận định về sự ra đi của các chủ tịch ngành Ngân hàng, một số chuyên gia nói rằng, nguyên nhân chính của việc nhiều ngân hàng thay tướng bắt nguồn từ sức ép tái cấu trúc hoạt động ngành Ngân hàng.

3 ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHCĐ trong mùa đại hội 2014 thì cả 3 đều thông báo thay đổi chủ tịch HĐQT mới.

Tại ĐHCĐ của NHTMCP Nam Á (Nam A Bank), cổ đông được nghe đọc tờ trình cùng lúc miễn nhiệm và công bố chủ tịch HĐQT mới. Trước đó, từ nhiệm đột ngột vị trí này trước khi ĐHCĐ của Sacombank diễn ra một ngày là ông Phạm Hữu Phú. Sang ngày 25/3 - thời điểm diễn ra ĐHCĐ, người thay thế ông Phú điều hành đại hội với tư cách Chủ tịch HĐQT là ông Kiều Hữu Dũng.

Tại ĐHCĐ của SCB, cổ đông cũng chứng kiến Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng này từ nhiệm là bà Nguyễn Thu Sương và ông Trầm Thích Tồn. Sắp tới đây, một số ngân hàng khác tổ chức ĐHCĐ cũng được dự báo có biến động mạnh về nhân sự vị trí chủ chốt.

Mỗi người từ nhiệm đều có lý do riêng, nhưng điểm chung là tất cả vì lý do cá nhân. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Xuân Loan ở Nam A Bank, bà phân trần: một phụ nữ phải gánh vác chuyện kinh doanh ngân hàng đã vượt quá sức của mình. Vì vậy, bà xin từ nhiệm để có thời gian chăm lo cho chồng và con nhỏ. Cũng theo bà Loan, việc chọn ông Nguyễn Quốc Toàn (anh trai bà Loan) thay thế là phù hợp, vì ông Toàn hiểu rất rõ hoạt động của ngân hàng. Hay chuyện ông Phú từ nhiệm chức chủ tịch Sacombank sang làm thành viên của Eximbank, theo ông cũng là lý do cá nhân…

Có thể mỗi lời giải thích chỉ ngắn gọn, họ ra đi vui vẻ với những lý do chính đáng. Người thay thế cũng luôn được HĐQT đánh giá là phù hợp với sự phát triển của ngân hàng. Sự thay đổi nhân sự cao cấp này nhìn chung được thuận tình. Nhận định về sự ra đi của các chủ tịch ngành Ngân hàng, một số chuyên gia nói rằng, nguyên nhân chính của việc nhiều ngân hàng thay tướng bắt nguồn từ sức ép tái cấu trúc hoạt động ngành Ngân hàng.

Song, đối với những cổ đông, sự ra đi hay bổ nhiệm người mới với họ đó là sự đã rồi. Khi đầu tư vào một DN tức là cổ đông mang tiền của mình đi gửi gắm tài lãnh đạo của DN đó nhằm đem lại lợi nhuận hàng năm. Chính họ là người trả tiền lương cho những lãnh đạo đó chứ không ai khác. Nên chuyện làm không được thì ra đi, thay người mới khiến họ không hài lòng. Họ cần một chủ tịch ngoài việc phải có năng lực, uy tín, còn phải là người vạch ra chiến lược và phản biện được chiến lược do ban điều hành đưa ra. Vị chủ tịch HĐQT phải là nơi khởi nguồn cho mọi sự cải tổ…

Tuy nhiên, những việc đó hình như cổ đông không thể kiểm soát được, Họ chỉ biết một điều là mỗi năm phải trả một số tiền thù lao không nhỏ cho chủ tịch. Nhưng đến khi DN kinh doanh không đạt kế hoạch, làm ăn thua lỗ, thậm chí làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông thì chủ tịch HĐQT chỉ nhẹ nhàng ra đi, để lại đằng sau một mớ hỗn độn không màng tới.

Dù không nặng nề, nhưng một cổ đông tham gia ĐHCĐ của Nam A Bank bày tỏ rằng, mỗi năm ĐHCĐ đều đặt ra vấn đề lợi nhuận, kèm theo là thù lao của HĐQT. Ví dụ năm trước, đại hội thông qua kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ đồng, thù lao cho HĐQT là 10 tỷ đồng. Nay chỉ tiêu kinh doanh chỉ đạt chưa tới 50% kế hoạch đề ra, nhưng thù lao trả cho lãnh đạo vẫn không thiếu đồng nào. “Thực ra, chuyện đi hay ở của chủ tịch HĐQT, cổ đông không thể kiểm soát được, người thay thế cũng được chỉ định sẵn từ HĐQT. Do vậy, cổ đông chỉ mong muốn quyền lợi của mình được đảm bảo và chủ tịch nên có trách nhiệm với vai trò của mình”, một cổ đông nói.

Tương tự, một cổ đông của Sacombank than rằng, mỗi chủ tịch đều có hướng điều hành khác nhau, quyền lợi được hưởng mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Chẳng hạn, trước đây, khi ông Đặng Văn Thành còn là chủ tịch Sacombank, có hứa với cổ đông chia cổ tức tới 16%/năm (thời điểm 2011). Tuy nhiên, trước khi thực hiện ông đã bị miễn nhiệm chức vụ. Chủ tịch mới lên thay chưa thực hiện được điều đó thì nay lại bổ nhiệm chủ tịch mới…

Có thể thấy, ở Việt Nam, những công ty áp dụng mô hình chủ tịch HĐQT là người không nắm giữ cổ phần nào mà vẫn điều hành HĐQT một cách chuyên nghiệp là không nhiều. Phần lớn những người ngồi vị trí chủ tịch đều có lượng cổ phần rất lớn. Do đó, nói rằng họ không có tâm để phát triển DN là không đúng. Nhưng, chính việc nắm giữ cổ phần ấy đã nảy sinh nhiều vấn đề. Theo một chuyên gia, vấn đề ở chỗ chỉ vì nắm nhiều cổ phần mà ngồi ghế chủ tịch có khi không đủ khả năng điều hành, nhất là ở những lĩnh vực chuyên biệt.

“Không phải họ không có khả năng mà vị trí chủ tịch đòi hỏi phải chuyên nghiệp. Vai trò chủ tịch HĐQT, ngoài nhiệm vụ chính là vạch ra chiến lược, hướng đi đúng với thế mạnh của từng công ty, từng giai đoạn, không tránh khỏi việc phải giải quyết những công việc sự vụ. Để tạo niềm tin cho cổ đông, người mới hay người cũ đều phải đảm bảo được những tố chất cần thiết”, vị chuyên gia nói.


Theo Quỳnh Chi

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên