Người dân quay lưng với vàng miếng
Trong khi giao dịch vàng miếng giảm mạnh thì vàng nhẫn nữ trang liên tiếp bị “cháy” hàng.
Không còn các cơn sốt vàng, không còn cảnh xếp hàng rồng rắn chờ mua bán vàng miếng tại trụ sở chính của SJC. Trong khi đó, tại các điểm kinh doanh vàng nhẫn, người mua lại tranh nhau mua vàng với số lượng lớn.
Dễ mua nên được chuộng
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, cho biết hiện nay mua bán vàng miếng trên thị trường rất chậm. Trung bình một ngày SJC chỉ giao dịch 700-2.000 lượng vàng. Trong khi đó, năm 2012, một ngày giao dịch 8.000-10.000 lượng là bình thường. Thậm chí có những ngày SJC đã giao dịch tới 20.000-21.000 lượng vàng. “Ước lượng giao dịch trung bình giảm khoảng 50%, thậm chí là 60%-70% so với năm ngoái” - ông Tường nói.
ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho rằng nguyên nhân giao dịch vàng miếng giảm mạnh thứ nhất là do chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới ở mức quá cao, trên 3 triệu đồng/lượng. Có lúc khoảng chênh lệch giữa vàng nội-ngoại lên tới 5-6 triệu đồng/lượng. Thứ hai, người dân không được gửi tiết kiệm bằng vàng và các điểm giao dịch vàng miếng đã thu hẹp lại rất nhiều. Hàng ngàn tiệm vàng trước đây có bán vàng miếng hiện nay chỉ còn kinh doanh nữ trang, trong khi các chi nhánh ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng chủ yếu bán sỉ là chính, giao dịch nhỏ, lẻ rất ít, các nhân viên mua bán không được chuyên nghiệp… Năm 2013 không còn có các giao dịch đón gió đầu cơ kiếm lời, mà dừng lại ở việc người dân mua ít để tích trữ mà thôi.
“Chính vì thế nhiều người quay lưng với vàng miếng, chuyển qua giao dịch vàng nhẫn bốn số chín. Giá cả của vàng nhẫn lại phù hợp với giá thị trường và thường ngang bằng hoặc chênh lệch với giá thế giới không nhiều. Hơn nữa, vàng nhẫn có thể bán cho các tiệm vàng kinh doanh bất kỳ ở đâu vì thế nhiều người thay vì mua vàng miếng đã quay sang vàng nhẫn” - ông Dưng nói.
Khan hiếm vàng miếng nhỏ, lẻ
Ông Nguyễn Kế Tân, đại lý SJC tỉnh Vĩnh Long, chủ tiệm vàng Tân Văn Minh, cho biết vàng nhẫn thực sự bùng nổ kể từ khi thị trường vàng miếng bị siết lại, hoạt động mua bán vàng miếng ở các tỉnh miền Tây giảm hẳn. Người dân ở dưới tỉnh quay qua mua vàng nhẫn tích trữ. Thời điểm rộ nhất là cách đây nửa năm, thị trường vàng nhẫn rất đắt đỏ. “Mặc dù gần đây kinh tế khó khăn quá, thị trường vàng nhẫn cũng bão hòa nên số lượng giảm. Tuy nhiên với đặc tính dễ mua, dễ bán, giá tiền phù hợp nên nhu cầu vẫn lớn hơn vàng miếng” - ông Tân nói
Ông Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, cũng khẳng định rằng do kinh tế khó khăn nên người dân chọn vàng nhẫn, vì vàng nhẫn thường được làm trọng lượng một chỉ, hai chỉ rất phù hợp với người dân. Thực tế ngay cả vàng miếng loại lẻ một chỉ, hai chỉ, năm phân hiện nay nhu cầu rất lớn nhưng lại khan hiếm. Rất nhiều người muốn mua mà không có hàng để bán. Thậm chí nhiều ngân hàng đến hỏi mua loại lẻ để bán cho khách hàng nhưng không có vàng loại chỉ để bán. Vậy nên nhiều người chọn vàng nhẫn là điều dễ hiểu.
Doanh nghiệp ngừng sản xuất vàng miếng Kể từ tháng 11-2012, cả tám doanh nghiệp sản xuất vàng miếng trong nước không mang thương hiệu SJC đã niêm phong khuôn đúc và bàn giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. |
Trong khi nhu cầu loại vàng này ở TP.HCM lớn thì ở các tỉnh như Cà Mau, Vĩnh Long những người đang sở hữu vàng lẻ rất khó bán. Vì khi mua vàng miếng nhỏ, lẻ này thường mua ở tiệm vàng trong huyện, tỉnh nhưng bây giờ tiệm vàng đó không được phép mua lại vì không có giấy phép kinh doanh vàng miếng. Đến ngân hàng thì bị từ chối. Nên cầm miếng vàng lẻ loanh quanh không ai mua cả. “Chẳng lẽ người dân cầm năm chỉ vàng đi từ Cà Mau, Vĩnh Long lên TP.HCM bán thì tiền xe ăn hết sao chịu nổi. Ngay cả tiệm vàng của tôi cũng chỉ là đại lý nữ trang của SJC chứ không phải cửa hàng mua bán vàng miếng nên không thể mua được” - ông Tân nói.
Theo Yên Trang