MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt thực sự giữ bao nhiêu USD?

09-04-2010 - 10:10 AM | Tài chính - ngân hàng

"Khoảng 9,7 tỉ USD nằm trong túi người dân. Điều này cho thấy chúng ta không thiếu ngoại tệ, nếu huy động được số tiền này”.

Trước tết, Nguyễn Văn Hưng, một người buôn ôtô ở Hà Nội bỏ ra lượng tiền mặt tròn 5 tỉ VND để mua USD. Một phần trong số ngoại tệ đó, Hưng kể, được chuyển cho con gái đầu của anh đang học tại trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới Oxford ở Anh, số còn lại anh cho vào két để ở nhà. “Tôi dự kiến cháu học năm năm sẽ mất khoảng 5 tỉ đồng. Đang sẵn tiền nên tôi mua hết USD. Chưa chuyển hết cho cháu thì giữ USD chắc cũng không bị mất giá như tiền đồng”, Hưng, người đang sở hữu gần chục căn nhà ở Hà Nội sau những phi vụ trúng quả lớn ở Đức và Tiệp Khắc cách đây 20 năm, nói.

Thật khó biết được số lượng những bậc phụ huynh làm giống như anh Hưng – tức mua ngoại tệ trong nước để nuôi con ăn học ở nước ngoài. Tuy nhiên, con số này có lẽ không nhỏ khi thống kê chỉ từ bốn đại sứ quán Mỹ, Anh, Úc, và Singapore cho biết đã có hàng chục ngàn sinh viên người Việt Nam đang theo học ở các trường học từ cấp tiểu học đến đại học ở các nước này. Vì thế, lượng USD tiền mặt gửi ra nước ngoài chỉ cho riêng hoạt động này có lẽ là không nhỏ.

Nhưng đây chỉ là một phần trong bức tranh người Việt Nam giữ tài sản bằng USD, thay vì tiền đồng. Người ta mua USD để cho con đi học nước ngoài, thanh toán ôtô nhập khẩu, trả tiền cho chiếc iPod, hay đơn thuần là cất trong tủ… Những hoạt động này làm nền kinh tế Việt Nam bị đôla hoá rất cao, ít nhất so với các quốc gia khác trong khu vực.

Kinh tế gia trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama giải thích về hiện tượng này: “Người dân và doanh nghiệp không yên tâm về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD. Có rất nhiều người đang găm giữ USD vì họ cho rằng găm giữ USD là biện pháp bảo vệ tài sản cho họ”.

Người Việt thực sự đang giữ bao nhiêu USD? Câu hỏi này gây tò mò cho chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh. Ông Doanh kể lại, ông đã cùng ngồi phỏng đoán với phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa về con số này dựa trên nhiều yếu tố như dự trữ ngoại hối, vay nợ của Chính phủ, kiều hối, FDI, xuất khẩu, lượng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng… đã công bố cuối năm ngoái.

“Chúng tôi giật mình khi thấy sai số là 9,7 tỉ USD. Con số này không thấy xuất hiện trong tài khoản ngân hàng. Tức là nó nằm trong túi người dân. Điều này cho thấy chúng ta không thiếu ngoại tệ, nếu huy động được số tiền này”, ông Doanh nói.

Đánh giá của ông Doanh gần giống với một báo cáo mới công bố của ngân hàng Thế giới. Báo cáo này lưu ý rằng, có nhiều hạng mục bị sai số một cách không bình thường trong cán cân thanh toán (lên tới 10% GDP). “Người dân Việt Nam đang nắm giữ hàng tỉ USD”, ông Rama giải thích cho hiện tượng này.

Một câu hỏi khác: vậy còn bao nhiêu USD nằm trong tài khoản ngân hàng thương mại? Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành giải thích thêm, dự trữ ngoại hối hiện có, cộng với khoảng 20 tỉ USD đang gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại cho thấy “Việt Nam có hơn 30 tỉ USD”. Ông nói: “Con số này và số USD trong dân cho thấy, nền kinh tế không thiếu USD”.

Nhưng mặt khác, rõ ràng là đang có tình trạng thiếu ngoại tệ cho các giao dịch cần ngoại tệ.

Ông Rama nói tiếp: “Hiện tượng mua bán USD vượt ra ngoài biên độ chính thức trên thị trường tự do cho thấy một số dấu hiệu mất lòng tin vào đồng nội tệ”. Anh Hưng và nhiều người khác đang nắm giữ USD biết rất rõ điều này. Nhưng điều họ không biết là tỷ giá VND/USD luôn có chiều hướng tăng chính vì sự găm giữ đó, và đây là một yếu tố mang tính tàn phá nền kinh tế. Ông Thành ước tính, tỷ giá có thể dao động ở biên độ rất lớn 18.000 – 20.000 VND/USD, mà biên độ nhỏ nhất chỉ có thể có khi người dân từ bỏ găm giữ USD và chuyển qua VND.

Gợi ý này, tuy vậy, là bất khả thi. Ông Rama nói: “Tôi cho rằng, để dòng tiền vào thị trường không có kiểm soát là không thể được. Nếu để mọi người mua USD thì ngân hàng Nhà nước sẽ mất thêm nhiều dự trữ… Đây là áp lực với Chính phủ và Chính phủ hiểu được áp lực đó”.

* Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Vikram Nehru: “Thâm hụt tài khoản đối ngoại là đáng quan ngại đối với Việt Nam. Theo tôi, một cách giải quyết vấn đề này là tăng lãi suất. Nó sẽ mang lại hai kết quả. Thứ nhất là làm nguội bớt sức ép lạm phát; thứ hai là có hiệu ứng làm dòng vốn tài chính tạo ra thâm hụt quay trở lại, người dân rời bỏ USD để quay sang tiền đồng, qua đó dự trữ ngoại hối sẽ được bắt đầu tích luỹ lại”.

Theo Tư Giang
SGTT

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên