MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nguồn để tăng lương 2014 chỉ có thể là vay nợ hoặc phát hành tiền"

02-05-2014 - 22:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia, mức tăng lương tối thiểu gấp hơn 2,5 lần mức tăng GDP dự kiến năm 2014 là rất lớn so với thực lực nền kinh tế.

Đó là kiến nghị của TS. Phạm Đỗ Chí và Phan Thanh Hà tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 qua tham luận Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ 2014.

Cần nới lỏng nhẹ chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn

Các chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phối hợp để tập trung kiểm soát lạm phát mà nguồn gốc sâu xa là thâm hụt ngân sách, hạn chế phát hành tiền, kể cả gián tiếp,- cho chi tiêu ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ và quản lý luồng tiền của ngân sách.

Cần thực hiện nhất quán chính sách tiền tệ chặt chẽ trong dài hạn nhưng nới lỏng nhẹ (so với hiện tại) trong ngắn hạn, không nới lỏng chính sách tài khóa, giữ mức đầu tư công và chi tiêu chính phủ hiện tại để kiềm chế tỷ lệ lạm phát và duy trì tăng trưởng. Thiếu sự hỗ trợ của chính sách tài khóa cần tiếp tục tương đối chặt chẽ, chính sách tiền tệ khó có thể làm giảm lãi suất cho vay một cách hiệu quả thêm 1-2 điểm phần trăm trong điều kiện hiện nay.

Cho phép các khoản chi cần thiết mới phát sinh

Về ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước đến thời điểm 15/3/2014 ước đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% dự toán năm; Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán năm. Vào thời điểm này chưa bộc lộ vấn đề đáng quan tâm về thu và chi ngân sách, mặc dù cả thu và chi đều ở mức không cao do tính thời vụ.

Các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách là rất khó khăn do xu hướng bao cấp, chi tiêu vượt khả năng ngân sách cho phép đang trở nên phổ biến và nặng nề; nhiều khoản chi có mục tiêu chính trị, xã hội nên rất nhạy cảm mà ít hiệu quả.

Tuy nhiên vẫn cần nỗ lực cắt giảm chi tiêu những khoản chi lãng phí trên cơ sở rà soát để điều chỉnh các định mức chi tiêu lạc hậu, không còn hợp lý, đồng thời cho phép các khoản chi cần thiết mới phát sinh.

Mức tăng lương tối thiểu gấp hơn 2,5 lần mức tăng GDP là rất lớn so với thực lực nền kinh tế

Chi tiền lương là một khoản chi lớn nhưng việc tăng lương được quyết định căn cứ vào nhu cầu cuộc sống của người lao động, chưa căn cứ vào năng suất lao động, khả năng của nền kinh tế, kết quả lao động làm ra.

Mặc dù mức tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đạt mức 5,4%, lạm phát 6% (tổng cộng 11,4%) nhưng tiền lương tối thiểu năm 2014 lại được điều chỉnh tăng ít nhất là 14,29% đối với vùng II và cao nhất là 16,67% đối với vùng III, tức là cao hơn ít nhất 2,89% (đối với vùng II) và cao nhất là 5,29% (đối với vùng III) so với khả năng của nền kinh tế. Mức tăng lương tối thiểu gấp hơn 2,5 lần mức tăng GDP dự kiến năm 2014 là rất lớn so với thực lực nền kinh tế.

Nguồn để tăng lương chỉ có vay nợ hoặc phát hành tiền

Điều đáng quan tâm hơn là nguồn tiền để tăng lương. Theo TS. Phạm Đỗ Chí và Phan Thanh Hà, tổng hai khoản chi “chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính” (704.400 tỷ đồng) và “chi trả nợ, viện trợ” (120.000 tỷ đồng, trong đó viện trợ không đáng kể) là 824.000 tỷ đã vượt tổng thu cân đối ngân sách (782.700 tỷ đồng) thì nguồn tăng lương chỉ có thể là vay nợ hoặc phát hành tiền.

Trong trường hợp đó, việc vay nợ (phát hành trái phiếu chính phủ hoặc vay nước ngoài) cho chi tiền lương là chưa phù hợp với điều 18 Luật quản lý nợ công, theo đó chính phủ vay nợ là để “đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước”. Việc phát hành tiền trực tiếp cho tăng lương còn đem lại hậu quả tiêu cực và nhanh chóng hơn cho nền kinh tế thông qua lạm phát gia tăng.

Thời điểm, lộ trình tăng lương nên được xây dựng phù hợp khả năng tìm kiếm nguồn tài chính ngoài hai nguồn vay nợ và phát hành tiền (trực tiếp hoặc gián tiếp), thí dụ như tăng sản lượng khai thác dầu thô hay các giải pháp dưới đây:

(i) Chi ngân sách có thể tiết giảm bằng cách tạo điều kiện (quy định về điều kiện, thủ tục tham gia thị trường) để các công ty bảo hiểm, các quỹ tài chính của nhà nước (với quy mô nhất định) tham gia thị trường trái phiếu chính phủ nhiều hơn. Hiện nay các tổ chức tài chính này đều gửi tiền tại các ngân hàng thương mại và các ngân hàng này dùng tiền huy động (chủ yếu là ngắn hạn) để mua trái phiếu chính phủ, làm tăng chi phí trả lãi của ngân sách.

(ii) Là một tổ chức tài chính lớn nhưng Bảo hiểm xã hội Việt nam mới chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành, mặc dù đây là nguồn vốn có một phần từ nguồn gốc ngân sách và là nguồn vốn dài hạn, khá ổn định cho ngân sách và an toàn cho Bảo hiểm xã hội.

Quy định khi thời điểm cho vay ngân sách mà không có đấu thầu hoặc bảo lãnh phát hành có cùng kỳ hạn thì Chủ tịch Hội đồng quản lý (trên thực tế là Bộ trưởng Tài chính) quyết định lãi suất làm cho BHXHVN có xu hướng ưu tiên cho các tổ chức khác vay để hưởng lãi suất cao hơn, kể cả các tổ chức không đúng quy định (Công ty cho thuê tài chính II của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là tổ chính tài chính nhà nước chứ không phải là ngân hàng thương mại nhà nước).

Để giảm gánh nặng trả lãi cho ngân sách, khuyến khích BHXHVN cho ngân sách vay thì cần quy định lãi suất cho ngân sách vay bằng lãi suất trái phiếu chính phủ đấu thầu phiên gần nhất, kỳ hạn gần nhất khi cho ngân sách vay không trùng với kỳ đấu thầu.

(iii) Cần đặt mục tiêu nâng dần tỷ lệ tham gia của BHXH VN mua trái phiếu chính phủ hàng năm, ít nhất là bằng với mức ngân sách chuyển đóng BHXH hàng năm. Để tránh gây sốc cho ngân hàng thương mại về huy động vốn, cần xây dựng lịch trình giảm tiền gửi của BHXH và các quỹ tài chính của nhà nước tại các tổ chức tín dụng, chuyển sang mua trái phiếu chính phủ. Trước mắt trong năm 2014, số tiền thu BHXH tăng lên do tăng lương tối thiểu cần được bổ sung để mua trái phiếu chính phủ.


Tùng Lâm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên