Nhà băng ngoại với chiến lược "lấn sân"
Ngày càng nhiều NH nước ngoài không ngừng thực hiện kế hoạch hiện diện trên thị trường. Với tiềm lực tài chính cùng với chiến lược phát triển bài bản, hiện các NH nước ngoài chiếm lĩnh thị phần lớn ở những “lãnh địa” NH nội chưa thể bước chân tới.
- 13-01-2015Tái cơ cấu ngân hàng: Khó “bén duyên” với ngân hàng ngoại
- 13-12-2014‘Miếng bánh lớn’ của ngân hàng ngoại ở Việt Nam
- 04-11-2014Ngân hàng ngoại đón đầu dòng chảy FDI vào Việt Nam
Điểm đến hấp dẫn
Đầu tháng 3-2015, NH Kasikorn Thái, một trong những NH hàng đầu của Thái Lan với mạng lưới hoạt động trên toàn châu Á đã khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM, sau một thời gian xây dựng mạng lưới dịch vụ ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với VietinBank và Agribank.
Việc NH Kasikorn Thái có mặt tại Việt Nam cùng với hàng loạt giấy phép chấp thuận của NHNN cho các NH nước ngoài mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn với các NH ngoại. Trước NH Kasikorn Thái, Việt Nam hiện đã có sự hiện diện của NH liên doanh Việt Thái (Vinasiam Bank) và chi nhánh của NH Bangkok.
Việt Nam là một trong những thị trường NH hấp dẫn nhất khu vực ASEAN, đứng thứ 3 hoặc thứ 2 sau Indonesia, vì sức hút lợi nhuận từ các mảng kinh doanh mà NH nội chưa khai thác được. Nếu đặt ra để so sánh, ngành NH Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém so với NH ngoại. Vì vậy, cần phải sớm chuyển đổi và cải tiến để ít nhất phải có được 1 NH nội có quy mô lớn mang tầm khu vực để cạnh tranh với các NH ngoại, tạo ra tên tuổi cho NH Việt Nam chứ không nên mải quẩn quanh với các hoạt động kinh doanh truyền thống, quy mô nhỏ như hiện nay.
Ông David Hovenden,
Giám đốc điều hành PwC Strategy khu vực ASEAN
Đặc biệt, vài năm gần đây, các NH đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực ASEAN có xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Theo thống kê, hiện có khoảng 10 văn phòng đại diện của các NH Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam. Với Nhật Bản, ngoài khá nhiều NH đã được cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hàng chục NH từ Nhật đã tham gia các buổi xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Sự thâm nhập của các NH trong khu vực ASEAN cũng là một điểm đáng lưu ý. Giữa năm 2014, một số thông tin cho biết CIMB Group Holdings BHD, NH lớn thứ hai Malaysia và có tài sản lớn thứ 5 tại ASEAN, đã có kế hoạch xin giấy phép vào Việt Nam. Hiện thị trường cũng đang có mặt khá nhiều NH đến từ Malaysia như Maybank, Public Bank Berhad, Hong Leong Bank. Bên cạnh đó, “đại gia” DBS, NH lớn nhất ở Singapore cũng là NH hàng đầu ở Hồng Công và là một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất châu Á, cũng đã sớm mở chi nhánh tại Việt Nam.
Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có hơn 50 văn phòng đại diện của các NH nước ngoài, 50 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH có 100% vốn nước ngoài gồm Standard Chartered Bank, HSBC, Shinhan Bank, Hong Leong, ANZ và 4 NH liên doanh.
Song song đó, nhiều NH lớn trên thế giới cũng đã sớm có mặt tại Việt Nam thông qua việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện nhiều năm nay như Commonwealth Bank (Australia), ING (Hà Lan), Barclays (Anh), Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản), Deutsche Bank (Đức)… Mới đây, NH Pháp BNP Paribas cũng đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập chi nhánh.
Những năm qua, trong khi các NH nội phải vất vả giải hàng loạt bài toán kinh doanh như huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tăng cường năng lực tài chính, xử lý nợ xấu, ổn định hoạt động… thì các NH ngoại hoạt động tại Việt Nam khá thảnh thơi. Mặc dù ít đưa ra các báo cáo hoạt động kinh doanh, nhưng qua một số lần công bố hiếm hoi cũng cho thấy các NH ngoại thu được món lợi nhuận không nhỏ tại thị trường Việt Nam.
Chẳng hạn, năm 2010, Standard Chartered Vietnam cho biết đạt 4,2 triệu USD lợi nhuận trước thuế hay HSBC Việt Nam công bố mức lợi nhuận gần 1.900 tỷ đồng trong báo cáo kết quả kinh doanh của năm 2012.
Độc chiếm “miếng bánh ngon”
Mức lợi nhuận các NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không được công bố thường xuyên, nhưng theo các chuyên gia tài chính con số này không hề nhỏ bởi họ luôn có được những giao dịch lớn từ thương vụ tư vấn mua bán cổ phần, thu xếp các vụ phát hành trái phiếu, bán lẻ, kinh doanh ngoại tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) FDI…
Sở dĩ họ giành được các “miếng bánh ngon” này vì các NH nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn và có định hướng chiến lược rõ ràng khi đến Việt Nam như đầu tư, bán lẻ, tài trợ thương mại, hỗ trợ DN FDI tại Việt Nam… Chẳng hạn trên thị phần bán lẻ, trước khi các NH nội bắt đầu chen chân vào thì những tên tuổi như HSBC, ANZ, CitiBank đã có vị thế lớn trên thị trường với tầm phủ sóng rất rộng, từ các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, gia dụng quy mô lớn đến các chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp hàng công nghệ quy mô vừa… để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng đa dạng của khách hàng.
Trong mảng thẻ, các NH này cũng cạnh tranh rất quyết liệt để phát hành thẻ với ưu đãi cao hơn so với các NH nội để khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam và sớm chiếm thị phần không nhỏ.
Nhóm DN FDI trước nay vẫn nằm trong tầm ngắm của NH nội nhưng khó chen chân vào được, thì hầu hết các NH ngoại đều nắm các khách hàng này trong tay. Lãnh đạo chi nhánh một NHTM lớn tại Đồng Nai thừa nhận, nhiều năm có mặt tại khu vực tập trung đông các khu công nghiệp dành cho DN FDI, nhưng chi nhánh này vẫn không tiếp cận được các DN FDI.
Nguyên nhân vì các DN FDI được chỉ định vay từ tập đoàn mẹ, đồng thời lãi suất cho vay từ các NH ngoại thấp hơn rất nhiều so với NH nội. Năm 2014, thời điểm các NH nội áp dụng lãi suất cho vay ngoại tệ 5-6%/năm, Công ty YKK (Nhật Bản) vay theo chỉ định của công ty mẹ chỉ với lãi suất 0,5%/năm; công ty CFT sản xuất dây đồng (Nhật Bản) vay tại một NH Nhật với hạn mức đến 40 triệu USD, lãi suất 1%/năm.
Vậy nên, dù hoạt động âm thầm hơn các NH trong nước, nhưng các NH ngoại vẫn tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Điển hình như NH Bangkok chi nhánh Việt Nam đạt mức tăng trưởng tín dụng 10% trong 9 tháng năm 2014, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng tín dụng của tất cả các NHTM trong nước cùng thời điểm, trong đó 90% khoản cho vay mới là tín dụng cấp cho các DN FDI.
Ngoài ra, thị trường còn có rất nhiều lĩnh vực chỉ các NH nước ngoài mới đủ lực thực hiện. Chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu quốc tế, tháng 10-2014, Bộ Tài chính đại diện cho Chính phủ đã ủy quyền cho các NH gồm Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered Bank giới thiệu tới các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu và đầu tháng 11 đã có đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD với lãi suất khá thấp.
Ngoài sự kiện này, rất nhiều DN lớn của Việt Nam cũng nhờ sự hỗ trợ của các NH ngoại để phát hành trái phiếu quốc tế trong nhiều năm qua. Điển hình là Tập đoàn Masan Consumer được Standard Chartered và Societe Generale Corporate and Investment hỗ trợ phát hành 2.100 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm lần đầu tiên với sự bảo lãnh từ tổ chức đầu tư và bảo lãnh tín dụng CGIF thuộc ADB vào đầu tháng 12.
Hay việc thu xếp tài chính với những khoản vay cực lớn dành cho các DN trong nước cũng chỉ mới có các NH ngoại khai thác được. Như HSBC Việt Nam tiến hành thu xếp cùng Deutsche Pfandbriefbank AG tài trợ khoản vay tín dụng xuất khẩu trị giá 112 triệu USD hỗ trợ hợp đồng mua mới 2 máy bay Airbus 321 của Vietnam Airlines; Tổng công ty Tín Nghĩa được Standard Chartered Việt Nam tài trợ thương mại 22 triệu USD nhằm mục đích phát triển hoạt động kinh doanh cà phê...
Theo Đỗ Linh