Nhà nước vẫn cần điều hành lãi suất
Theo Thống đốc NHNN, trong điều kiện thanh khoản của các TCTD còn chưa đồng đều, một số ngân hàng vẫn có nhu cầu huy động với lãi suất cao nên cơ chế trần lãi suất vẫn cần tiếp tục.
Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIII), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã đưa ra đề nghị, NHNN nên cần xóa bỏ trần lãi suất, chuyển hệ thống lãi suất sang cơ chế lãi suất thị trường.
Vấn đề nêu trên, đang cần được lý giải bởi định đề “cạnh tranh là động lực của cơ chế thị trường” và nguyên tắc “chính sách tiền tệ được định hướng nhằm ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô” nói riêng hay các lĩnh vực khác của nền kinh tế nói chung, luôn tưởng chừng có sự “xung đột”.
Theo nguyên lý thị trường, các TCTD được chủ động trong hoạt động kinh doanh, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các TCTD thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận phù hợp với cơ chế quản lý và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thị trường tiền tệ có nhiều biến động thì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn cần có biện pháp hành chính nhằm kiểm soát, định hướng mặt bằng lãi suất.
Thực tế cho thấy vào cuối năm 2010, do thanh khoản của các TCTD ở mức thấp, nhiều TCTD phải đua nhau tăng lãi suất huy động để tranh giành thị phần, hút nguồn tiền nhàn rỗi của cá nhân và các tổ chức kinh tế, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay cao. Trong bối cảnh đó, để ổn định thị trường tiền tệ, NHNN đã áp dụng trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Giải pháp điều hành này có vai trò quan trọng trong việc ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong những thời điểm thanh khoản của các TCTD gặp khó khăn, từng bước giảm mặt bằng lãi suất theo mục tiêu đề ra.
Phải khẳng định rằng, NHNN luôn theo sát diễn biến vĩ mô và thanh khoản hệ thống ngân hàng để hướng dần lãi suất theo thị trường. Chẳng hạn, từ đầu năm 2012 đến nay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm mạnh đồng bộ các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đối với trần lãi suất huy động bằng VND, bên cạnh được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến thị trường, các NHTM còn từng bước được NHNN nới lỏng phạm vi áp dụng. Cụ thể, từ tháng 6/2012 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, từ cuối tháng 6/2013 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hiện, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 9%/năm được áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này. Lãi suất huy động tối đa bằng VND ở mức 7%/năm chỉ áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, là mức khá phù hợp để TCTD có thanh khoản tốt có thể ấn định lãi suất thấp so với mức trần và TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn cũng có thể ấn định lãi suất huy động trong phạm vi đó.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mặc dù cơ chế trần lãi suất hiện nay đã từng bước được nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD áp dụng, nhưng trong điều kiện thanh khoản của các TCTD còn chưa đồng đều, một số ngân hàng nhỏ và yếu vẫn có nhu cầu huy động với lãi suất cao, vì vậy, việc duy trì một cơ chế trần lãi suất này vẫn cần được tiếp tục.
“Trong thời gian tới, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện đồng bộ, thị trường tiền tệ ổn định thì NHNN sẽ xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất theo lộ trình và vào thời điểm phù hợp” – Thống đốc cho biết.
Theo Chí Kiên