Nhiều giải pháp tăng tiền
Nhiều động thái tích cực hơn từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại để tăng tín dụng cho nền kinh tế đã được triển khai.
Nguồn vốn giá rẻ tiếp tục được đưa ra thị trường với kỳ vọng đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trong quý II/2014.
Lãi suất mua căn hộ xuống còn 5%/năm
1.109 tỷ đồng là con số của hợp đồng tín dụng dành cho 45 doanh nghiệp (DN) thuộc quận Bình Thạnh- TP. Hồ Chí Minh do 8 ngân hàng gồm: Sacombank, Agribank, BIDV, Vietcombank, DongA Bank, ACB, Eximbank và ABBank vừa thực hiện với lãi suất từ 7%/năm.
Đây là chương trình kết nối ngân hàng – DN được thực hiện theo chủ trương của UBND TP.Hồ Chí Minh và NHNN - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, đã có hàng chục ngàn tỷ động vốn ưu đãi được các ngân hàng cam kết hỗ trợ và thực hiện giải ngân trên địa bàn. Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện.
Bên cạnh việc cung cấp vốn cho các dự án của UDIC, SHB cũng sẽ hỗ trợ khách hàng của UDIC mua căn hộ tại dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội) do UDIC làm chủ đầu tư với lãi suất ưu đãi và cạnh tranh.
Ngoài ra, SHB và Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã ký hợp đồng hợp tác cho khách hàng vay vốn mua căn hộ thuộc Dự án D’.le Pont D’or (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) với lãi suất 8,68%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Ngày 12/5, Vietcombank cũng đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 800 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình. Theo đó, giới hạn tín dụng được Vietcombank cấp cho đạm Ninh Bình trị giá lên tới 800 tỷ đồng nhằm giúp công ty giải quyết được sự thiếu hụt về đồng vốn, đồng thời có điều kiện để mở rộng phương hướng phát triển kinh doanh. Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng khẳng định: Vietcombank cam kết cùng đồng hành, hỗ trợ và gắn bó với sự phát triển của đạm Ninh Bình; sẽ thu xếp vốn đầy đủ, kịp thời để đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án
Thí điểm liên kết 4 nhà
Để hỗ trợ sâu hơn cho lĩnh vực bất động sản, NHNN chính thức thực hiện thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà tại 8 ngân hàng thương mại gồm: Đầu tư và Phát triển Việt nam, Công thương Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Xây dựng Việt Nam, Bưu điện Liên Việt và Sài Gòn – Hà Nội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ rõ: Mục tiêu chính của việc thực hiện thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà là nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, chương trình còn tạo điều kiện cho các DN có nợ quá hạn có thể vay vốn, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí, giúp dự án có đủ vốn triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.
Các DN ngành thép cũng đang nhận được sự hỗ trợ tín dụng từ Techcombank với nhận định xuất khẩu thép được coi là giải pháp giúp DN vượt qua khó khăn, tái sản xuất. Vì thế, Techcombank đã cung cấp giải pháp an toàn giá cho DN ngành thép trên sàn quốc tế thông qua quản trị rủi ro về giá bằng các công cụ phái sinh. Với các công cụ này, DN có thể quản trị rủi ro về giá (nguyên liệu, thành phẩm, đối tác, tỷ giá ngoại tệ…) sang cho ngân hàng thông qua dịch vụ ngoại hối và dịch vụ hàng hóa. Techcombank sẽ thay DN chịu trách nhiệm với chi phí bị thiệt hại nếu có sự chênh lệch về giá.
Theo Duy Minh