MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN trở thành cổ đông quan trọng của Sacombank sau sáp nhập

16-09-2015 - 10:22 AM | Tài chính - ngân hàng

CTCK HSC nhận định, NHNN hiện sẽ đóng vai trò cổ đông khá quan trọng trong ngân hàng sau sáp nhập. Theo đó, mở ra cơ hội về sự thay đổi phong cách quản lý và sự chủ động xử lý nợ xấu trong một vài năm tới.

NHNN vừa chính thức chấp thuận cuối cùng đối với thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank). Sự thay đổi về cấu trúc cổ đông tiếp tục đang được thị trường chú ý. Bởi trước đó, ông Trầm Bê đã cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN trong quá trình phê duyệt phương án sáp nhập.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, ông Trầm Bê và người liên quan sở hữu 20,14% cổ phần của Southernbank và 6,89% cổ phần Sacombank đã chuyển giao quyền cổ đông của mình tại cả hai ngân hàng cho NHNN và sẽ không tham gia quản lý ngân hàng sau sáp nhập.

Hơn nữa, ông cam kết sẽ sử dụng các tài sản khác mà ông sở hữu để trả nghĩa vụ nợ của cả hai ngân hàng nếu cần thiết.

“Có nghĩa là NHNN hiện sẽ đóng vai trò cổ đông khá quan trọng trong ngân hàng sau sáp nhập. Theo đó, mở ra cơ hội về sự thay đổi phong cách quản lý và sự chủ động xử lý nợ xấu trong một vài năm tới”, HSC nhấn mạnh.

Sacombank ước tính ngân hàng sau sáp nhập sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 1.002 tỷ đồng năm 2015, tăng nhẹ lên 1.132 tỷ đồng năm 2016 và sau đó tăng đạt 1.332 tỷ đồng năm 2017. Do kế hoạch tăng dự phòng mạnh theo dự kiến, ngân hàng ước tính mức tăng trưởng CAGR đối với dự phòng là 75,59% trong cùng giai đoạn từ 2015-2017. Chủ yếu do vấn đề nợ xấu từ Southernbank. Và do đó tỷ lệ cổ tức dự kiến khá thấp chỉ 3% mệnh giá (300 đồng).

Trong khi đó, HSC lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng Sacombank sẽ cần 3-5 năm để xử lý bảng cân đối kế toán sau sáp nhập.

“Dự báo của chúng tôi cho 3-5 năm tới đối với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng kém khả quan hơn so với kế hoạch của Sacombank với tỷ lệ CAGR cho lợi nhuận trước thuế là -28.41% từ 2014-2017”, HSC đưa ra dự tính.

HSC dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ là 252 tỷ đồng năm 2015, 966 tỷ đồng năm 2016 và 1.011 tỷ đồng năm 2017. Do tổng thu nhập hoạt động, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 15,2% đã bù đắp cho chi phí dự phòng tăng lên và CAGR là 83,92% trong 3 năm 2015-2017 (dự báo chi phí dự phòng năm 2015 là 2.755 tỷ đồng, năm 2016 là 3.560 tỷ đồng và 5.988 tỷ đồng năm 2017).

“Điều này phản ánh sự trì hoãn trong thời gian dài đối với công tác trích lập dự phòng của ngân hàng với nhiều lớp nợ xấu cần xử lý. Trực tiếp liên quan đến thực tế rằng ngân hàng đã có những sự thay đổi về cấu trúc cổ đông chứ không phải về phong cách quản lý trong vài năm trước”, HSC phân tích.

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên