Nhóm công tác ngân hàng VBF 2015 “hiến kế” xử lý nợ xấu
Hiện nay các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các vụ án liên quan đến nợ xấu mà ngân hàng đang cố gắng để thu hồi vốn vay.
- 29-11-2015Cần hành lang pháp lý cao hơn cho nợ xấu
- 26-11-2015Nguồn tiền nào để xử lý nợ xấu?
- 22-11-2015Nợ xấu ngân hàng đã đi qua miền tối – sáng?
- 19-11-2015VAMC mới chỉ xử lý được 7,2% nợ xấu trong 2 năm
- 19-11-2015Đấu giá nợ xấu qua giải trình của Chính phủ
Đây là đánh giá trong Báo cáo của Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2015).
Theo phân tích từ Báo cáo của BWG, quá trình xử lý nợ xấu còn phức tạp và mất nhiều thời gian. Trường hợp khách hàng không hợp tác với ngân hàng (trong hầu hết các trường hợp nợ xấu), ngân hàng phải khởi kiện khách hàng ra tòa án và mất từ 1-2 năm để nhận bản án/quyết định của tòa.
Sau khi nhận được bản án/quyết định hòa giải thành, ngân hàng phải nộp đơn yêu cầu thi hành án và phải mất từ 2-3 năm để bán đấu giá xong tài sản đảm bảo. Quá trình xử lý mất nhiều thời gian đã làm tăng chi phí xử lý nợ xấu và giảm giá trị của tài sản đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quá trình thu hồi nợ.
Ngoài ra, các quyết định và yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án là bất hợp lý. Trong nhiều trường hợp, chính các yêu cầu này đã khiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng để thu hồi nợ đi đến chỗ bế tắc.
Trong trường hợp khách hàng cá nhân bỏ trốn, tòa án không thụ lý đơn kiện hay ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do không thể tìm thấy nơi cư trú hiện tại của bị đơn. Đối với khách hàng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn về nước của họ, cơ quan thi hành án yêu cầu thực hiện thử tục ủy thác tư pháp thông qua Bộ Ngoại giao để tống đạt các quyết định, văn bản của cơ quan thi hành án đến những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong thực tế, thủ tục ủy thác tư pháp mất rất nhiều thời gian, có thể không mang lại kết quả gì và trì hoãn quá trình bán đấu giá tài sản nhiều năm.
BWG cũng chỉ ra việc xử lý tài sản không thông qua tòa án không khả thi. Thông tư liên tịch số 16 của NHNN ngày 6/6/2014 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường, NHNN cho phép ngân hàng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp.
Tuy nhiên vì không có sự hỗ trợ tích cực của cơ quan công an và chính quyền địa phương trong việc giúp ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, việc áp dụng thông tư 16 không khả thi.
Do vậy, BWG kiến nghị một số giải pháp như: Rút ngắn thời gian xử lý vụ việc của tòa án và cơ quan thi hành án;
Trường hợp khách hàng cá nhân hay người đại diện theo pháp luật của khách hàng doanh nghiệp bỏ trốn, tòa án có thể mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn và không cần thiết thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp;
NHNN nên phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành một khung khổ pháp lý chi tiết, rõ ràng quy định sự phối hợp giữa công an và các cơ quan liên quan để hỗ trợ tích cực cho ngân hàng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo và xử lý thu hồi nợ mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của bên thế chấp.
Theo BWG, giải quyết được những khó khăn và trở ngại trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng.
Để góp phần xử lý núi nợ xấu khổng lồ của hệ thống ngân hàng lên đến 400.000 tỷ đồng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thành lập từ cuối năm 2013. Tính đến nay, non nửa số nợ xấu trên đã được bán cho VAMC để xử lý. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, VAMC mới chỉ xử lý được được 7,2% núi nợ xấu, tương đương khoảng 16.270 tỷ đồng, số còn lại vẫn còn nằm im trong kho của VAMC.