MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ dưới chuẩn : Tuy xa mà gần

23-10-2013 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ dưới chuẩn của VN tưởng chừng không có, nhưng thực tế lại có thể hoàn toàn khác khi khối nợ xấu của hệ thống NH VN mới được bung ra

Việc JP Morgan, ngân hàng lớn nhất  Mỹ đang phải đối mặt với án phạt kỷ lục 13 tỉ USD để giải quyết những rắc rối liên quan đến chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp có vẻ như chẳng liên quan gì đến VN. Thế nhưng, ngân hàng và cả thị trường BĐS VN, hình như cũng đều “gặp hạn” như JPMorgan.

Thậm chí, VN cũng có nhiều NH “mắc cạn” vì các khoản cho vay cũng xin tạm gọi là “dưới chuẩn”…

VN có nợ dưới chuẩn ?

Nợ dưới chuẩn được hiểu là các khoản cho vay các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Những đối tượng đi vay này thường là những người nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, vị thế xã hội thấp hoặc có lịch sử thanh toán tín dụng không tốt trong quá khứ.

Những đối tượng này tiềm ẩn rủi ro không có khả năng thanh toán nợ đến hạn và do đó rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng truyền thống vốn chỉ dành cho những đối tượng trên chuẩn.

Nợ dưới chuẩn ở Mỹ với mức độ rủi ro tín dụng rất cao song bù lại có mức lãi suất cũng rất hấp dẫn, được thực hiện đối với các sản phẩm cho vay thế chấp mua nhà (mortgage), thế chấp mua trả góp ôtô, thẻ tín dụng… Các đối tượng tín dụng dưới chuẩn phần nhiều là dân nhập cư vào Mỹ.

Ở VN, hệ thống ngân hàng hầu như không hiển thị phổ biến các sản phẩm dành cho đối tượng vay nợ dưới chuẩn – vì cũng phải nói thêm, bản chất của mortgage là có thời hạn cho vay rất lâu và chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp được hình thành bằng khoản nợ vay mua trong tương lai, và mức độ bảo đảm được đo bằng sự ổn định của công việc và đồng lương mà người vay có được.

Mặc dù trong hoạt động của mỗi một ngân hàng VN, hiện vẫn đều tồn tại các khoản cho vay với lãi suất cao dành cho những đối tượng có mức rủi ro tín dụng cao.

Và các sản phẩm này được áp dụng không chỉ những đối tượng muốn vay thế chấp mua nhà hay sử dụng tài chính vi mô – tiêu dùng, mà còn áp dụng cho cả các khách hàng DN, khách hàng phát triển dự án nói chung.

Vì vậy, nợ dưới chuẩn của VN tưởng chừng không có, nhưng thực tế lại có thể hoàn toàn khác khi khối nợ xấu của hệ thống NH VN mới được bung ra: Nợ xấu quá lớn, nợ thuộc nhóm 4 - 5, quá hạn và mất vốn ngày càng tăng.

Mà nguy hiểm hơn là sản phẩm nợ này thường được dành cho các khách hàng tổ chức, DN – những món nợ có hạn mức lớn, giá trị lớn, thời gian vay không hề ngắn, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS.

Bản chất nợ của VN

Rõ ràng, sử dụng từ “nợ dưới chuẩn” để nói về các khoản nợ quá hạn và khiến các NH đối mặt với những khó khăn chẳng khác gì JPMorgan, dù có thể chưa bằng JPMorgan vì mức độ nguy hiểm của chứng khoán hóa – phát hành phái sinh các khoản nợ, là có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng lại nói thực tế ở VN, “nợ dưới chuẩn” có vẻ như đã hiện hữu rất gần.

Nó thể hiện trước nhất qua các khoản nợ cho vay trên thị trường bất động sản, một thị trường mà nhiều chủ đầu tư địa ốc cũng đã phải thốt lên rằng: Họ ngạc nhiên trước các đồng nghiệp không có đồng vốn nào trong tay nhưng vẫn dũng cảm đi phát triển dự án.

Vì đằng sau các DN đó, nguồn vốn ban đầu đã có ngân hàng. Lớp nợ dưới chuẩn thứ nhất hình thành từ các đối tượng này không ít và khi thị trường BĐS đóng băng, các nhà góp vốn cho chủ đầu tư không còn mạnh tay tranh sản phẩm sơ cấp tương lai như thời kỳ trước đây, DN cụt vốn, ngân hàng phải khoanh nợ và đương nhiên theo thời gian nó dễ dàng lọt sàng xuống nợ xấu.

Những chủ đầu tư như vậy thực sự là những đối tượng có mức độ tín nhiệm thấp, rủi ro tín dụng cao. Tài sản đảm bảo thế chấp cũng có mức độ rủi ro rất cao mà thể hiện cơ bản nhất là cách “đẩy giá tài sản, có 1 đồng nói lên 500 đồng” để đẩy hạn mức cho vay.

Chẳng khác nào JPMorgan khi chứng khoán hóa và chuyển giao các sản phẩm vay nợ dưới chuẩn ra thị trường đã lờ đi các sự thật quan trong mà hai đơn vị tài trợ mua nhà, hai anh em nhà băng quốc doanh Mỹ kỳ cựu là Fannie Mae và Freddie Mac cũng đã lờ đi.

Nói cách khác, có rất nhiều người bỗng trở thành đại gia trong một đêm nhờ giấc mơ sở hữu một căn nhà hoặc có một đống tiền được nhân lên từ một vài đồng góp vốn nhỏ đầu cơ nhà của người dân.

Quyền sở hữu đất đai – ước mơ sở hữu một căn nhà của những đối tượng muốn mua nhà trở thành mục tiêu cơ bản khiến các chủ đầu tư, nhà đầu cơ và ngân hàng tha hồ bắt tay nhau, đầu tư vào các tài sản hình thành trong tương lai dựa trên các khoản vay trên và cả dưới chuẩn.

Trở lại với câu chuyện của thị trường BĐS. Hiện VN còn tồn kho bao nhiêu dự án, bao nhiêu sản phẩm địa ốc phân khúc cao – phân khúc nhắm đến người giàu và được thắp lửa bởi các nhà đầu cơ, có lẽ vẫn chưa có một số liệu chính xác? NH đang kẹt bao nhiêu dự án địa ốc mà các chủ đầu tư đã bỏ chạy – như những người mất khả năng chi trả vì thực sự có tín dụng dưới chuẩn – cũng vẫn chưa ai dám công bố.

Các số liệu sẽ trở nên mù mờ hơn nữa khi tới đây, một loạt những người nghèo dưới chuẩn ấp ủ giấc mộng mua nhà và đi vay, cho dù lãi suất đã được tài trợ một phần và tương thích hơn với thu nhập.

Làm thế nào để các khoản vay tài trợ mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trong tương lai không trở thành các khoản nợ dưới chuẩn ? Nếu có, có ngân hàng Việt nào sẽ đối mặt với án phạt, dù là nho nhỏ, bởi các hoạt động thiếu an toàn và mang đến khủng hoảng nợ dưới chuẩn - như JPMorgan ?

Theo Lê Mỹ

hanhle

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên