Nợ xấu, bao giờ xong?
Đây là câu hỏi mà tất cả các thành viên thị trường đặt câu hỏi và mong muốn tìm được câu trả lời thỏa đáng.
- 12-09-2014Nhà đầu tư nước ngoài: Tỷ lệ nợ xấu không phải là tất cả
- 12-09-2014"VN không nên giấu nợ xấu dưới tấm thảm đẹp"
- 11-09-2014Sắp chất vấn Thống đốc về xử lý nợ xấu
- 11-09-2014Quan trọng là tốc độ xử lý nợ xấu phải nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới
Tuy nhiên, ở mỗi góc nhìn giải pháp cũng chỉ bó hẹp ở một phạm vi nhất định, nên đến nay, vẫn chưa thể có một câu trả lời thỏa đáng.
Dù vậy, có một vấn đề làm nghẽn lại tốc độ xử lý nợ xấu, đó là niềm tin, động thái của mỗi ngân hàng đối với vấn đề nợ xấu. Có thể, giải quyết vấn đề nợ xấu không còn nằm trong phạm vi xử lý của ngành ngân hàng, nhưng tính quyết định lại phụ thuộc vào hành động của mỗi ngân hàng.
Ngân hàng thờ ơ
Chính yếu tố quyết định nằm "trong tay" mỗi ngân hàng nên VAMC mới khó mua nợ. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào quý IV/2013, VAMC đã mua tổng cộng 55.000 tỷ đồng (2,62 tỷ USD) nợ xấu với 35 TCTD. Tuy nhiên từ đầu năm cho đến nay, VAMC mới chỉ mua 16.000 tỷ đồng nợ xấu (761,90 triệu USD) từ các TCTD, tương đương bằng 16 - 22,8% so với mục tiêu cả năm là 70.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng (3,33 - 4,76 tỷ USD).
Câu hỏi đặt ra là vì sao nợ xấu vẫn tăng lên, mà VAMC lại mua được ít thế? Đã có nhiều lý giải về vấn đề này, nhưng mấu chốt của câu chuyện chính là do các ngân hàng không muốn bán thêm nợ xấu. Tại sao vậy?
Một vài lý giải đã được đưa ra, đó là các ngân hàng đã và đang xử lý nợ xấu nhanh hơn VAMC. "Điều này không có gì bất ngờ vì các ngân hàng có nhiều lợi thế trong việc này. Thực tế, nhiều ngân hàng cảm thấy có thể tự xử lý nợ xấu nhanh chóng hơn nhiều so với VAMC vì họ biết rõ về khách hàng của mình và đã có nhiều năm kinh nghiệm xử lý vấn đề nợ xấu", ông Fiachra Aodh MacCana, Giám đốc điều hành, Phòng Nghiên cứu, CTCK Tp.HCM (HSC), bình luận.
Thực tế này cũng đã được chứng minh bằng con số của NHNN. Theo công bố của NHNN, tính đến tháng 8/2014, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện ở mức 4,17% tổng dư nợ. Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo con số mà Thanh tra giám sát NHNN công bố, tính đến cuối tháng 6/2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013. "Nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN, cho biết.
Như vậy, nếu so sánh con số trích lập dự phòng của các TCTD là 77.300 tỷ đồng với tổng số nợ xấu mà VAMC mua được từ khi thành lập tới nay là 55.000 tỷ đồng đã cho thấy sự chênh lệch khác biệt.
"Do đó, các ngân hàng không muốn bán nợ xấu nếu cảm thấy có thể tự xử lý tốt hơn VAMC. Trong khi đó, VAMC cũng không muốn nhận mua nợ xấu nếu khả năng xử lý hay chuyển nhượng quyền sở hữu nợ xấu đó không cao. Nói cách khác tình hình đang có sự bế tắc", ông MacCana cho biết thêm.
Xử lý phải nhanh hơn tốc độ phát sinh
Trước thực tế này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết xong nợ xấu? Đã có rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia. Theo Ts. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cần thiết nhất là một giải pháp tổng thể cho thị trường.
"Nợ xấu Việt Nam phần lớn gắn liền với bất động sản. Do đó các giải pháp gắn liền phải là khơi thông thị trường bất động sản; Khai thông cho người nước ngoài mua nhà ở; và sửa Luật Đầu tư - khai thông môi trường đầu tư", ông Lịch phân tích.
Về vấn đề này, Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng xử lý nợ xấu cần có thêm công cụ VAMC. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy tác dụng, cơ quan quản lý cần phải tăng quyền năng cho VAMC để công cụ này đủ khả năng xử lý những khoản nợ có rắc rối về mặt pháp lý.
Hơn nữa, VAMC cần phải có đủ quyền lực để xác lập quyền sử dụng và quyền sở hữu cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi mua lại nợ và tài sản bảo đảm của VAMC.
"Đây là vấn đề quan trọng, bởi hầu hết các khoản nợ xấu của các ngân hàng đều có liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản. Hơn nữa, nguyên nhân khiến tốc độ mua nợ xấu của VAMC thời gian qua chậm lại là do những khoản nợ xấu hiện nay đều có những vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo (hiện đang tồn tại rất lớn ở các NHTM). Bởi vậy, cần cho VAMC một cái quyền đủ để có thể hoàn tất những thủ tục cần thiết nhằm thiếp lập quyền chủ đối với những tài sản mà họ đã mua để có thể bán lại cho nhà đầu tư trong và ngoài nước", Ts. Nghĩa bình luận.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng một giải pháp đồng bộ như kích hoạt nhu cầu thị trường để DN giải phóng hàng tồn kho; tập trung gỡ khó cho nhóm DN đang gặp khó khăn, có thể tạo thêm nợ xấu bằng cách ưu tiên lãi suất; giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn để DN nhóm phát triển tốt có thể có cơ hội đầu tư mới, kích thích tổng cầu nền kinh tế; Chính phủ xử lý điểm nghẽn toàn bộ thủ tục hành chính để xử lý tài sản - hiện đang nghẽn; phát triển thị trường mua bán nợ - VAMC để tạo thanh khoản bên ngoài; ngân hàng tiếp tục dùng lợi nhuận trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mãi tài sản… sẽ giúp nợ xấu giảm xuống.
"Với những giải pháp đồng bộ trên, tôi đặt niềm tin năm 2015 NHNN sẽ giải quyết được nợ xấu, kéo nợ xấu toàn hệ thống xuống 3%", ông Lịch chia sẻ.
>>> "VN không nên giấu nợ xấu dưới tấm thảm đẹp"
Theo Minh Huệ