Nợ xấu đang chuyển từ túi phải sang túi trái
Việc chưa có thị trường mua bán nợ cũng sẽ gây nhiều trở ngại khi VAMC muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua.
- 23-10-2013Nước ngoài muốn “mua nguyên lô” nợ xấu
- 21-10-2013SHB ngổn ngang nợ xấu
- 21-10-2013Nợ xấu đã mua “không liên quan đến Vinashin”
- 21-10-2013Đua tăng trưởng tín dụng và nguy cơ nợ xấu
- 17-10-2013Nợ xấu: Mua rồi, khó bán lại
Theo thông tin từ Cty quản lý tài sản VAMC cho biết, VAMC đã mua 8.700 tỉ đồng nợ xấu gốc từ 8 TCTD với tổng giá trị trái phiếu đặc biệt (TPĐB) phát hành khoảng 6.500 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 67% nợ xấu thuộc lĩnh vực BĐS, 22% nợ thuộc khu vực sản xuất. Theo kế hoạch, sắp tới đây VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu của 5 NH, từ nay đến cuối tháng VAMC sẽ mua khoảng 10.000 tỉ đồng nợ xấu bằng TPĐB. Như vậy, đến nay đã có hơn 20 TCTD đến tìm hiểu việc mua bán nợ, trong đó có 13 TCTD đã nộp hồ sơ.
Việc các TCTD đang “xếp hàng” bán nợ xấu cho VAMC nhìn qua thấy rất hấp dẫn, nhưng nhìn sâu xa hơn chúng ta có thể thấy các NH này muốn bán nợ xấu, chẳng qua vì muốn làm sạch bảng cân đối tài chính để nhanh được tái cấp vốn.
Đơn giản là vì cách thức bán nợ hiện nay của VAMC mới dừng lại ở bước bỏ khoản nợ xấu từ túi bên phải vào túi bên trái. Bởi vì, các TCTD chỉ nhận được TPĐB do VAMC phát hành để xin tái cấp vốn.
Các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho TPĐB, mục đích là để sử dụng quỹ dự phòng này xử lý khoản nợ xấu, nếu sau 5 năm VAMC vẫn chưa xử lý được.
Cách thức mua bán nợ xấu này chưa thật sự tạo ra sự thỏa mãn, nhưng hiện tại VAMC chỉ có thể thực hiện phương cách này vì chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ và cộng với năng lực tài chính hiện thời, rất khó để VAMC thực hiện việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường.
Tại thời điểm ra đời Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), ở Việt Nam đã có hơn 20 Cty mua bán nợ của các TCTD và 1 Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) của Bộ Tài chính.
Mặc dù vậy, hình hài một thị trường mua bán nợ ở Việt Nam vẫn chưa rõ rệt. Dù NHNN đã nói rằng sẽ cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước mua lại nợ của VAMC khi Công ty này đi vào hoạt động. Tức VAMC sẽ là tổ chức trung gian thu gom nợ từ các TCTD và bán lại trên thị trường.
Đã có ý kiến cho rằng điều này sẽ giúp hình thành một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy kết luận điều này là hơi sớm bởi thị trường mua bán nợ của Việt Nam hiện không có hình thù rõ ràng và khá phức tạp. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo ra một thị trường mua bán nợ là bởi vì khi đã có thị trường, các Công ty mua bán nợ của các tổ chức trong và ngoài nước sẽ tham gia.
Nhưng hiện nay chúng ta đang ở thế bị động, các giải pháp đưa ra chỉ là tình thế. Các tổ chức đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào thị trường này, song khi chưa có thị trường chuyên nghiệp, dù có muốn cũng khó phát triển.
Việc chưa có thị trường mua bán nợ cũng sẽ gây nhiều trở ngại khi VAMC muốn bán lại những khoản nợ xấu đã mua.
Không ít NH từng bày tỏ quan điểm họ đang không chỉ lên kế hoạch bán nợ, mà còn rất mong được mua nợ, bởi phần lớn các khoản nợ xấu đã được bán này đều có tài sản thế chấp là BĐS và trong đó nhiều tài sản có giá trị cao sẽ mang lại một khoản lợi nhuận trong tương lai, nhất là khi đã được chiết khấu thời gian đầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà phần lớn đang nhìn nhận NH ở một phía phải bán nợ, việc họ mong được mua nợ chắc chắn là bất khả thi, bởi nếu chiếu theo quy định thì các Công ty mua bán nợ của các NH lại không được phép mua nợ của mình, và nếu muốn mua nợ của tổ chức khác cũng sẽ rất mất nhiều công đoạn, quy định, gần như khó có thể thành công.
Theo Gia Miêu