Nợ xấu ngân hàng khó nhất là xử lý tài sản đảm bảo
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, cái khó nhất trong quá trình xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng mất 2-3 năm
- 30-06-2015Thay thành viên BCĐ liên ngành xử lý nợ xấu
- 26-06-2015TP.HCM chuẩn bị đợt “dọn” nợ xấu BĐS
- 24-06-2015Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành
Hiện nay, nợ xấu của ngân hàng và các tổ chức tín dụng ở TP HCM là hơn 50.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 5,2% trong tổng dư nợ, tăng 0,29 điểm % so với cuối năm 2014.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 9 tới, TP HCM phải kéo giảm nợ xấu còn từ 3% trở xuống. Do đó hiện nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đang tập trung thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu này.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP HCM về vấn đề này.
PV: So với cuối năm 2014, nợ xấu ở hệ thống ngân hàng của TP HCM có tăng, nguyên nhân vì sao thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Nợ xấu tăng là có 3 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất từ thời điểm Thông tư 02 và 09 của Ngân hàng nhà nước về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực. Thông tư 02 và 09 theo sát chuẩn mực quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn.
Nguyên nhân thứ 2 là do các vụ án lớn về ngân hàng và việc xử lý các ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Xây dựng hay Ngân hàng Đại Dương từ đó nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Thứ 3 nữa là hoạt động của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh không hiệu quả, họ giải thể, ngưng hoạt động, họ vay ngân hàng không có khả năng trả nợ làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên.
PV: Theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đến tháng 9 tới các hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng ở thành phố phải kéo nợ xấu giảm từ 3% trở xuống. Vậy Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đang tập trung vào những giải pháp gì để đạt mục tiêu này?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Để thực hiện được mục tiêu này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã giao cho các hội sở chính của các ngân hàng từ nay đến cuối tháng 9 phải xử lý hơn 25.300 tỷ đồng. Trong đó, phân chia ra 3.100 tỷ các ngân hàng phải tự xử lý và 22.200 tỷ phải bán nợ cho VAMC, ngoài việc tự xử lý như trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, ngân hàng phải bán tài sản thế chấp để xử lý nợ. Việc phối hợp với khách hàng để thu nợ cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong nợ xấu mà ngân hàng tự nợ xấu. Đến nay các ngân hàng đã xử lý nợ xầu được hơn 2.800 tỷ, đạt 85%, mục tiêu từ nay đến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành.
Đối với việc bán nợ cho VAMC 22.200 tỷ đồng đến nay các ngân hàng mới chỉ bán được 3.000 tỷ, tỷ lệ này còn thấp nhưng đến 31/7 các ngân hàng bắt buộc phải bán xong cho VAMC.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Nếu các ngân hàng không xử lý được phải bán cho nợ cho VAMC. Vì hiện nay, VAMC đã được bổ sung vốn điều lệ sẽ nên thực hiện tốt vấn đề này. Chúng tôi tin rằng mục tiêu đưa nợ xấu của thành phố xuống dưới 3% là thực hiện được.
PV: Trong quá trình xử lý nợ xấu thì hiện nay, vướng mắc, khó khăn lớn nhất của mình là gì, ông có kiến nghị gì về cơ chế chính sách?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Cái khó nhất trong quá trình xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, quá trình này thường mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng mất 2-3 năm. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm và đề nghị đẩy nhanh tiến trình này để hỗ trợ giải quyết nhanh cho việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết khó khăn về tài chính cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp. Thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tư pháp, tòa án cũng đã phối hợp tốt để giải quyết vấn đề này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.