MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu nhìn từ các ngân hàng niêm yết

24-08-2013 - 09:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Nợ xấu của các ngân hàng vẫn luôn là chủ đề nóng trong thời gian qua. Trong bài viết này, chúng tôi xin phác họa bức tranh tổng quan về tình hình nợ xấu của các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay, bao gồm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam(CTG), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (EIB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Nợ xấu trong bài viết được hiểu bao gồm: nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn.

Nợ xấu ngày càng…xấu

Trong 4 quý gần nhất, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng đã lên sàn gần như không đáng kể. Tuy vậy, con số nợ xấu lại không ngừng tăng lên.

DIỄN BIẾN TỔNG DƯ NỢ VÀ NỢ XẤU CÁC NGÂN HÀNG

(4 Quý gần nhất)

ĐVT: 1000đ


Tại thời điểm 30/06/2013, CTG là ngân hàng có tổng nợ xấu lớn nhất với khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, SHB, với 5.288 tỷ đồng nợ xấu, lại là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất khi chiếm 9,04% tổng dư nợ của nhà băng này.

CHI TIẾT NỢ XẤU CÁC NGÂN HÀNG

(thời điểm 30/06/2013)


6 tháng đầu năm 2013, điểm đáng chú ý trong cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

CƠ CẤU NỢ XẤU CÁC NGÂN HÀNG

(4 Quý gần nhất)

ĐVT: 1000đ


Tại thời điểm 30/06/2013, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các ngân hàng. Đây là một xu hướng đáng quan ngại nhưng không quá bất ngờ đối với những người quan sát.

Nợ xấu vì đâu gia tăng?

Trong số các nguyên nhân phát sinh và gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng phải kể đến các nguyên nhân chính yếu sau:

Nợ xấu hiện nay các ngân hàng đang gánh chịu là hệ quả của việc các ngân hàng đã có một thời gian dài chạy theo lợi nhuận bằng việc duy trì chính sách tăng trưởng tín dụng cao (luôn tăng trên 25%/năm) qua nhiều năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã: không ngần ngại điều chỉnh"khẩu vị rủi ro"để có thể mạnh tay trong việc giải ngân, thiếu đánh giá và dự báo dẫn đến việc cho vay các ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, tiêu dùng tín chấp…

Bên cạnh việc theo đuổi chính sách tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro, công tác quản lý tín dụng của các ngân hàng cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong khâu giám sát và quản lý vốn vay. Một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao, dẫn đến thua lỗ và mất khả năng chi trả. Trong khi đó, các ngân hàng lại không hề hay biết hoặccố tình không biết và khi chuyện vỡ lở thì đã quá muộn.

Một nguyên nhân đáng lưu ý khác dẫn đến nợ xấu là năng lực thẩm định, phê duyệt trước khi cấp tín dụng của các ngân hàng còn hạn chế. Điều này dẫn đến thẩm định và phê duyệt không đúng thực tế, từ đó phát sinh nợ xấu.

Ngoài nguyên nhân do hạn chế về năng lực dẫn đến phát sinh nợ xấu, không ít trường hợp có năng lực và hiểu biết đầy đủ, nhưng đã cố tình bỏ qua các chuẩn mực trong việc cấp tín dụng. Việc các ngân hàng bỏ qua các chuẩn mực trong việc cấp tín dụng có thể do tác động của một số cá nhân hoặc tổ chức có quyền chi phối ngân hàng.

Một nguyên nhân nữa cũng phải kể đến đó là do chính các nhân viên, lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái các quy định để thu lợi cho cá nhân và để lại hậu quả là nợ xấu cho các ngân hàng gánh chịu. Nợ xấu phát sinh trong các trường hợp này sẽ rất khó để giải quyết.

Con số nợ xấu gia tăng trong thời gian gần đây cũng có thể do các ngân hàng đã "chủ động" công bố, khi NHNN đã có những động thái quyết liệt trong việc thanh kiểm tra, yêu cầu các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó việc ra đời của VAMC cũng là một cơ sở kỳ vọng cho các ngân hàng trong vấn đề công khai, xử lý nợ xấu và đã có ngân hàng đầu tiên đánh tiếng muốn bán nợ xấu cho VAMC. Hy vọng đây sẽ là một là một tín hiệu tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Phạm Thanh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên