Nỗi lo lãi suất và tỷ giá
Công ty chứng khoán MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới và áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm đang ngày một gia tăng.
- 10-12-2015Lãi suất và tỷ giá USD, nhìn từ tín hiệu của FED năm 2016
- 10-12-2015"NHNN sẽ tăng cường các giải pháp quản lý nhằm nỗ lực giữ tỷ giá"
- 07-12-2015Tỷ giá VND/USD có dư địa đủ lớn để tạo sự ổn định cho thị trường
- 07-12-2015Tỷ giá USD/VND 2016 sẽ thế nào khi “cuộc chơi” tiền tệ thế giới đã thay đổi?
- 05-12-2015IMF: Việt Nam cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để tránh các cú sốc bên ngoài
- 04-12-2015"Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá 3 – 5% trong năm 2016"
Báo cáo thị trường nợ mới đây của CTCK MB (MBS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đã tăng ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng trong hai tuần cuối tháng 11 do nhu cầu nguồn cầu vốn ngắn hạn tăng mặc dù NHNN đã bơm thanh khoản mạnh mẽ vào hệ thống. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn dồi dào thể hiện qua mức lãi suất kỳ hạn qua đêm được duy trì ở mức hợp lý.
Trong 11 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Một số NHTM đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 – 0,5%/năm. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất huy động USD bằng mức trần do NHNN quy định là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.
CPI tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng khoảng 0,58% so với cuối năm 2014. Trong tháng có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá, song mức tăng là không lớn. Tăng cao nhất là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,32%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình với mức tăng 0,19%. Nhóm Đồ uống và thuốc là đứng thứ 3 với mức tăng 0,16%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,05%. Bên cạnh đó, trong tháng còn có 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá. Giảm mạnh nhất là nhóm giao thông giảm 0,38% do tác động của hai đợt giảm giá xăng ngày 19/10 và 3/11; Nhóm Bưu chính viên thông cũng giảm 0,1%. CPI được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12 khi sức cầu hàng hóa cuối năm thường tăng cao cộng thêm giá nhóm hàng dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng mạnh.
"Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng và đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới", báo cáo của MBS dự báo.
Báo cáo cũng chỉ ra, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng mạnh trong hai tuần gần đây. Một số NHTM đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD chào mua và chào bán lên sát mức trần cho phép của NHNN.
Áp lực tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm lại tăng lên khi đồng USD tăng mạnh trước kỳ vọng FED sẽ sớm tăng lãi suất và nhu cầu USD tăng lên và dịp cuối năm.
Mới đây, CTCK HSC cũng đưa ra nhận định rằng, NHNN đang phải đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp là công tác quản lý tiền tệ và tỷ giá ổn định trong thời điểm từ nay đến hết năm. Nói chung khi tiền tệ chịu áp lực, NHNN có ba lựa chọn: điều chỉnh tỷ giá tham chiếu; hoặc nới rộng trần tỷ giá chính sách; sử dụng dự trữ để thực hiện các biện pháp quản lý nhằm cắt ngang dòng đầu cơ. Điều chỉnh tỷ giá hay nới rộng trần tỷ giá là không thể vào thời điểm hiện tại. Và dự trữ ngoại hối đã giảm dần kể từ giữa năm do NHNN nỗ lực bảo vệ tỷ giá đồng thời giữ cung cấp đủ thanh khoản vào thị trường liên ngân hàng. Và khi đó biện pháp hành chính là lựa chọn còn lại.
Trong bất kỳ trường hợp nào, HSC dự báo NHNN có thể giám sát chặt các tài khoản ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Điều lo ngại dĩ nhiên là liệu đồng đô Mỹ hay đồng NDT có tiếp tục tăng, theo đó tạo áp lực giảm tiền Đồng hơn nữa.