Nỗi lo vàng lậu kém chất lượng
Chênh lệch giá cao, buôn lậu vàng đang trở thành món hàng siêu lợi nhuận cho những kẻ bất chấp pháp luật.
Trong khi vàng miếng đã trở thành thương hiệu độc quyền sản xuất, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì với quy định hạn chế nhập vàng nguyên liệu, thị trường vàng trang sức đang trở thành đích nhắm của vàng lậu.
Vàng lậu dễ trà trộn vì thiếu quy chế quản lý?
Trong rất nhiều diễn đàn, khi lên tiếng về thành công của việc siết chặt quản lý thị trường vàng, NHNN đều cho rằng một trong những kết quả đạt được đó là tình trạng buôn lậu vàng đã giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng “ép” chuyện vàng lậu giảm khi giá vàng trong nước và thế giới chênh tới 4 triệu đồng là điều khó tin. Thực tế, những vụ buôn lậu vàng vẫn được các cơ quan chức năng “khui” ra trong thời gian qua. Mới đây là vụ gần 100 dây chuyền vàng (hơn 2kg) vận chuyển lậu từ Hong Kong về ViệtNamvừa bị Cục Cảnh sát kinh tế phát hiện tại sân bay Nội Bài.
Nhìn nhận về tình trạng buôn lậu vàng, từ phía lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực, cho biết, thực ra câu chuyện vàng lậu là chuyện muôn thuở.
Từ cách đây chục năm, Hội đồng Vàng thế giới thống kê năm 2003, Việt Nam tiêu thụ gần 60 tấn vàng, nhưng chỉ có 10 tấn được nhập chính thức, còn lại là nhập lậu. Và dù thực tế hiện nay, số vụ buôn lậu vàng bị phát hiện không nhiều, nhưng Hội đồng Vàng thế giới từ nhiều năm qua vẫn công bố Việt Nam là nước tiêu thụ rất nhiều vàng lậu. Hay một vụ lớn khác vào thời điểm trước Tết Quý Tỵ 2013 gây chú ý dư luận khi Hải quan An Giang phối hợp với Phòng PC46 - Công an An Giang đã bắt giữ hai đối tượng vận chuyển thuê 15kg vàng, trị giá 17,3 tỷ đồng cho chủ một tiệm vàng tại phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc. Số vàng này đã được dùng kỹ thuật xóa bỏ nguồn gốc, xuất xứ in trên các miếng vàng và chủ tiệm vàng đã không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số vàng nói trên.
Dẫn chứng sâu hơn, ông Huỳnh Trung Khánh, nguyên cố vấn của Hội đồng Vàng thế giới tại ViệtNamcho biết: Tuy không nhập khẩu chính thức, nhưng thị trường ViệtNamvẫn tiêu thụ vàng. Hội đồng Vàng thế giới có thể ước tính lượng tiêu thụ này dựa trên mức chênh lệch tăng cao bất thường từ khối lượng vàng đưa vào thị trường các nước lân cận Việt Nam (trừ đi mức tiêu thụ trung bình của quốc gia đó), và dựa trên mức tiêu thụ trung bình của thị trường Việt Nam trong các năm qua.
Tuy nhiên, cả Thông tư mới của Bộ KHCN lẫn các văn bản trước đây của NHNN đều chưa có quy định nào về việc yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải chứng minh nguồn gốc vàng nguyên liệu, do đó chưa chặn được hiện tượng “rửa” vàng lậu bằng vàng nữ trang.
Ông Vũ Minh Châu, TGĐ Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: Vì không được nhập khẩu vàng miếng, các DN sản xuất vàng nữ trang phải lập hệ thống đại lý thu mua vàng nguyên liệu từ nhiều tỉnh trong cả nước. Song, chứng minh nguồn gốc xuất xứ là rất khó, nên việc trà trộn vàng lậu là điều mà các DN không thể phân biệt.Vậy, khi thị trường vàng bị siết chặt, vàng lậu sẽ chảy đi đâu? Câu trả lời của các chuyên gia vàng đều cho rằng đích nhắm của những kẻ buôn lậu chính là thị trường vàng trang sức, nơi đang bị bỏ ngỏ quy định về nguồn vàng nguyên liệu.
Để quản lý thị trường này, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Và trước đó, NHNN cũng ban hành nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh vàng trang sức.
Giải pháp chống vàng lậu: kéo giá về sát thế giới
Nêu lý do khiến vàng lậu dễ hoành hành, một số chuyên gia kinh tế cho rằng do hiện nay, vàng nguyên liệu đang bị hạn chế nhập khẩu, dẫn đến khan hiếm nguồn, các DN cần vàng sẽ phải mua cả vàng trôi nổi trên thị trường, nên vàng lậu có đất tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc áp thuế nhập khẩu cũng khiến cho giá vàng nhập chính thức kém hấp dẫn hơn so với hàng lậu.
Ngoài ra, một đặc điểm nữa là vàng lậu vẫn thắng thế do lợi thế “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Khi có nhu cầu, vàng lậu từ biên giới về TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ ngay trong ngày, thậm chí trong buổi, từ đó tỏa đi các nơi. Trong khi đó, các DN nếu được nhập vàng chính thức cũng phải mất khoảng ba ngày để đưa vàng về bằng đường hàng không...
Để hạn chế vàng nhập lậu, một chuyên gia vàng hiến kế NHNN nên từng bước “ghi danh” lượng vàng trong dân, biến hàng trăm tấn vàng không rõ xuất xứ thành vàng có xuất xứ. Cụ thể, NHNN cần từng bước thu mua vàng trong dân, dập ra vàng miếng SJC để thay thế dần. Với DN vàng trang sức, khi thu mua vàng nguyên liệu có thể là vàng vô danh, nhưng khi sản xuất ra, họ cũng phải định danh cho sản phẩm của mình theo một tiêu chuẩn chung của NHNN, tức phải có sê ri, ký hiệu để NHNN kiểm soát…
Nhìn một cách trực diện hơn khi phân tích nguyên nhân khiến vàng lậu diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Thanh Trúc cho rằng đặc điểm đường biên giới của ViệtNamrất dễ tạo cho những kẻ buôn lậu hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Trúc, có một yếu tố quan trọng nhất đó là hiện nay, chênh lệch vàng nội ngoại quá lớn. Đây là lý do rõ ràng nhất. Bây giờ tôi tạm tính một miếng vàng chỉ cần chênh 1 triệu thôi, thì nếu buôn lậu trót lọt 1 miếng vàng khối lượng bằng bao thuốc lá, tương đương 26,6 lượng, lợi nhuận là gần 30 triệu đồng.
Một người đi qua biên giới, quấn quanh người giống như băng đạn, ít nhất cũng khoảng 20 miếng. Tính ra, số tiền họ có được nhờ buôn lậu mỗi lần như thế cũng lên tới 600 triệu đồng. Thế mà hiện nay, giá vàng đang chênh tới 4 triệu đồng/lượng, thì lợi nhận còn “khủng” tới cỡ nào. Nhưng để nói số lượng vàng lậu là bao nhiêu thì không thể tính được, vì chỉ cần qua biên giới, không ai có thể chứng minh được đó là vàng lậu hay vàng chính ngạch, vì đặc điểm nước ta, vàng đã được tích trữ trong dân từ ngàn đời nay.
Còn phía các DN mua vàng nguyên liệu, họ chỉ có thể cân đo tuổi vàng, chứ không thể xác định hay truy nguyên nguồn gốc vàng. Bởi vậy, cách duy nhất để chống buôn lậu vàng là đưa giá về sát với thế giới, giống như các nước”, ông Trúc đề xuất.
Theo Hà An