MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa đầu năm, các ngân hàng chú trọng hạn chế nợ xấu

10-07-2015 - 10:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận một số ngân hàng đã công bố ở mức nhỉnh hơn so với kế hoạch đặt ra, các ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank vẫn đạt mức cao với 6.035 tỷ đồng (tăng 16,6% so cùng kỳ). Đây cũng là ngân hàng tích cực trích lập dự phòng rủi ro. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này dành một nửa lợi nhuận để trích lập dự phòng. Sau trích lập, Vietcombank còn lãi trước thuế 3.040 tỷ đồng sau 6 tháng (tăng 9,45% so cùng kỳ), tức đạt 50,7% kế hoạch năm. Như vậy, 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã chi tới gần 50% lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro (2.995 tỷ đồng).

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường về hoạt động thẻ. Trong đó, doanh số thanh toán thẻ Nợ xấu của Vietcombank đến 30/6 chiếm 2,43%. Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở 2,3%.

Tính đến ngày 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank là 6,52%, tương đương mức tăng trưởng chung của cả hệ thống. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị các đơn vị trong ngân hàng phải chú ý đến chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế các dịch vụ ngân hàng và tạo áp lực rủi ro về thanh khoản.

Còn Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho biết: Các hoạt động cốt lõi đều có tăng trưởng tốt, với huy động vốn và dư nợ cho vay tổ chức và cá nhân đều có tỷ lệ tăng trên 10% so với năm trước. Đáng chú ý là kết quả lợi nhuận 6 tháng đạt 342 tỷ đồng, vượt 112% kế hoạch 6 tháng và đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà Đại hội đồng cổ đông 2015 đã đề ra.

Kết quả này đánh dấu mốc quan trọng cho việc hoàn tất quá trình tái cơ cấu của TPBank trong 3 năm. Một chỉ số khác cho thấy TPBank hoạt động khá an toàn và lành mạnh, đó là tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,96%, trong khi TPBank đã áp dụng tiêu chí phân loại nợ khắt khe hơn theo quy định mới của NHNN từ tháng 4/2015 nhưng tỷ lệ nợ xấu này vẫn giảm chứng tỏ công tác quản lý rủi ro tín dụng tốt, không để phát sinh nợ xấu mới và công tác thu hồi nợ khá hiệu quả, thu được nhiều khoản nợ cũ tồn đọng. Nhờ vậy, nợ xấu không phải là gánh nặng đối với ngân hàng này.

Theo phân tích từ phía các ngân hàng, năm nay, tín dụng phục hồi tốt hơn từ đầu năm, nên lợi nhuận của ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, các ngân hàng phải chịu áp lực khi thực hiện chính sách trích lập dự phòng thận trọng và chủ động. Trong đó, các ngân hàng phải thực hiện đầy đủ quy định phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và 09/2014/TT-NHNN của NHNN. Đây là thời điểm các ngân hàng phải khẩn trương tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Mới đây nhất, tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã quyết liệt yêu cầu các ngân hàng phải khẩn trương đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% chậm nhất vào cuối tháng 9/2015 (sớm hơn 3 tháng so với mục tiêu ban đầu là đến cuối năm 2015). Do đó, ngoài việc nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận 6 tháng đầu năm, hiện các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, trước mắt có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Hiện hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu với việc ngân hàng được sắp xếp lại, thanh khoản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tại thời điểm cuối tháng 5/2015 là 3,15%.

 

 

Theo Anh Minh

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên